Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Nạn “chặt chém” du khách ở VN

Đọc báo Tuổi Trẻ thấy có một khách hàng viết rằng chỉ ăn 2 tô phở gà trong một nhà hàng (chắc là hạng “sang”) ở phi trường Tân Sơn Nhất mà giá lên đến 256 ngàn đồng. Giá này tương đương với ~12 USD. Một tô phở bên California giá cũng chỉ 6-7 USD. Nhưng tôi dám cam đoan rằng tô phở bên Little Saigon (Cali) thì phẩm chất tốt hơn nhiều và lớn hơn nhiều so với tô phở trong nước, kể cả tô phở ở phi trường TSN. So sánh như thế để thấy rằng, cho dù đó là cách tính sai, thì vẫn là một sự chặt chém có hệ thống.


Đi du lịch ở VN tôi sợ nhất là nạn chặt chém. Nạn chặt chém xảy ra khắp nơi trong nước, nhưng kinh hoàng nhất, vĩ đại nhất, trắng trợn nhất, táo tợn nhất vẫn là các tỉnh phía Bắc. Nghe nói ở Huế cũng chặt chém kinh lắm, nhưng tôi chưa kinh qua. Có lẽ cả nước chỉ có Hội An là còn tử tế với du khách. Đọc những bản tin về các thương lái du lịch làm tiền khách một cách táo tợn ở Vịnh Hạ Long hay Đồ Sơn làm tôi rùng mình, đến nỗi không dám nghĩ đến ghé qua những nơi đó. Tôi về VN khá thường xuyên, cũng quen nước quen cái, cũng biết “luật giang hồ đất Bắc”, vậy mà lần nào ra ngoài đó cũng đều bị chặt chém. Từ anh chàng lái taxi đến chị bán xôi đều cố tình nâng giá. Nói cho ngay các xe taxi của hãng đàng hoàng (như TaxiGroup) thì không có nạn này, nhưng taxi dù, thì ôi thôi, tôi sợ họ còn hơn sợ cọp. Tôi an ủi chắc vì mình nói giọng Nam nên họ đương nhiên xem là “Anh Hai Sài Gòn” mà Sài Gòn là nơi hái ra tiền (họ nghĩ thế) nên tự động nâng giá.

Tôi biết họ ăn gian, nhưng giả bộ không biết để thăm dò xem họ chém đến đâu. Có một đêm tôi đi ăn miến gà ở một quán vĩa hè gần Nhà thờ Lớn ở khu phố cổ, tô miến ngon, giá 40 ngàn đồng, nhưng đến khi tôi tính tiền thì chị ấy nói tỉnh queo: bốn nhăm nghìn! Tôi giả bộ ngạc nhiên hỏi: Ủa, tui thấy ai cũng trả 40 ngàn mà chị! Tôi ngồi gần chỗ tính tiền nên có để ý. Chị ấy nói: Ah, cái bát của bác có nhiều thịt hơn. Tôi cố tình cù cưa: Ủa, tui đâu có kêu nhiều thịt gì đâu?! Chị ấy càng tỏ ra lém miệng: Vâng, bác trong Nam “da”, chúng cháu phải chăm sóc chứ nị. Nịnh hay đến thế thì tôi cũng phải đành chi thêm 5 ngàn đồng. Và, dĩ nhiên, lần sau tôi tìm cách tránh cái quán này.

Tình trạng chặt chém du khách ở VN rất tương phản với du lịch đàng hoàng ở Thái Lan. Tôi cũng thường xuyên ghé qua Thái Lan, đi từ Bangkok đến tỉnh lẻ, nhưng chưa bao giờ bị ai chặt chém. Một tháng trời ở Khon Kaen, tiếng Thái một chữ bẻ đôi cũng không biết, vậy mà chẳng thấy ai nâng giá gì cả. Một trái xoài 25 Bát, tôi trả 30 vì thấy công người ta gọt vỏ, nhưng anh chàng bán hàng nhất định chỉ lấy 25B. Nhớ có lần vào quán khá tươm tất ở KKU, tôi thì nói tiếng Anh, người chạy bàn thì nói tiếng Thái, hai người chỉ trỏ một hồi cũng xong, nhưng không có chuyện nâng giá vì tôi không biết tiếng Thái. Tôi nghĩ đó là một kĩ nghệ du lịch đàng hoàng. Còn kĩ nghệ du lịch ở VN vì có vài “con sâu” lớn, nên hình ảnh mà du khách có được là một kĩ nghệ du lịch du côn.

Có một hiện tượng cũng đáng nói ra là VN có khi rất chảnh. Người ta nghĩ rằng VN bây giờ cũng có khách sạn 5 sao, cũng biết nói tiếng Anh tiếng U, cảnh đẹp, người đẹp, thì du khách phải đến thăm. Vì ảo tưởng như thế nên họ sẵn sàng nâng giá khách sạn. Giá khách sạn ở VN bây giờ còn đắt đỏ hơn giá khách sạn ở Thái Lan. Hàng hoá ở VN (toàn hàng nhái và hàng Tàu "Made in China") cũng đắt đỏ hơn Thái Lan, thậm chí hơn cả Mĩ. Một cái quần jean hiệu nổi tiếng của Mĩ như Levi, Polo, Tommy, v.v. giá cao lắm cũng chỉ vài chục USD, vậy mà cái quần jean của hãng AP của VN giá trên 100 USD! Quần áo may ở trong nước xem bề ngoài thì đẹp, nhưng mặc vào thì rất khó chịu và chỉ thọ vài tháng. Ăn uống ở VN thì công bằng mà nói là ngon hơn Thái Lan, nhưng giá cả thì chẳng thua gì nhà hàng bên phương Tây. Thật vậy, nhiều Việt kiều về nước bây giờ nhận xét rằng giá cả ở VN còn đắt hơn ở Mĩ. Thêm vào đó là nguy cơ bị cướp giựt và tai nạn giao thông, tất cả cộng lại cho thấy lựa chọn du lịch ở VN không có lợi ích gì cả. (Dĩ nhiên, về thăm nhà thì không có … lựa chọn, vì dù tốt xấu thế nào đi nữa đó vẫn là quê hương của mình).

Trong thực tế thì chất lượng dịch vụ ở VN rất kém so với các nước trong vùng. Khách sạn VN do các tập đoàn quốc tế đầu tư thì có thể không thua bất cứ ai, nhưng khách sạn do cơ sở của Nhà nước quản lí thì còn xa mới so với các khách sạn quốc tế. Một lần ở Cần Thơ tôi mới phát hiện rằng khách sạn do Nhà nước quản lí có 3 bậc giá dành cho người trong nước, Việt kiều, và người nước ngoài. Hài hước đến độ vợ chồng kia dự hội nghị, chồng là người Mĩ phải trả giá phòng gấp đôi vợ! Họ chặt chém có tổ chức. Tôi là dân miền Tây, nghe anh bạn Mĩ than phiền tôi cảm thấy xấu hổ. Còn cảnh quan VN thì chẳng đẹp hơn nước nào cả, mà còn bị ô nhiễm và dơ bẩn kinh khủng. Có một survey hỏi những du khách tại sân bay (khi họ làm thủ tục về nước) là lần sau họ có quay lại VN không, thì kết quả cho thấy 75% nói “No”. Họ chỉ đi 1 lần cho biết rồi thôi. Tôi nghĩ kết quả này có thể tin được vì những kỉ niệm có thể không mấy đẹp trong thời gian họ ở VN và so với du lịch ở Thái Lan rõ ràng là rẻ hơn và chất lượng tốt hơn du lịch trong nước.

Câu chuyện về giá phở ở phi trường Tân Sơn Nhất một lần nữa cho thấy có người kinh doanh trong đó làm ăn theo kiểu ăn xổi. Có thể họ biết 75% du khách “một đi không trở lại” nên chặt chém thoải mái. Có thể họ nghĩ du khách không biết, nhưng họ lầm vì du khách đều biết và sẵn sàng trả tiền nhưng đằng sau thì có thể họ rất khinh người VN. Nhưng họ quên rằng “du khách” cũng có thể là người Việt (và như thế là chặt chém đồng hương), và quan trọng hơn là làm cho kĩ nghệ du lịch VN rất xấu xí.

Ghi thêm: Người ta có thể biện minh rằng vì giá thuê mặt bằng đắt đỏ và phải "chung chi" với các quan chức địa phương nên phải tăng giá, nhưng du khách họ không quan tâm chuyện đó; họ chỉ nhìn tổng thể và hệ thống. Họ không cần biết tại sao "chặt chém" (đó là vấn đề của các anh), họ chỉ biết có chặt chém và đó là một thất bại. Thất bại của VN trong du lịch là thất bại của hệ thống. 



0 nhận xét:

Đăng nhận xét