Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Khoa học và chuyện "đi tắt"



Vài tuần trước, tôi có hân hạnh tiếp chuyện với phóng viên Lê Ngọc Sơn (báo Sinh viên Việt Nam (SVVN)) chung quanh câu chuyện “khoa học và ‘đi tắt’”. Bài phỏng vấn đã đăng trên báo SVVN vào đầu tuần này. Trong khi chờ bản chính thức điện tử, tôi chia sẻ cùng các bạn vài ý kiến để gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh”.


SVVN: Thưa GS, ông nghĩ gì về nền khoa học cơ bản của Việt Nam hiện nay?

Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Tôi nghĩ trước hết chúng ta cần phải minh định cái gọi là “khoa học cơ bản” và “khoa học ứng dụng”, và việc này thì có khi không dễ, bởi vì lằn ranh giữa hai lĩnh vực này rất dễ bị lu mờ. Nhưng để dễ phân định, hãy tạm thời hiểu khoa học cơ bản là những hoạt động nằm mở rộng tri thức qua việc phát triển hay kiểm định lí thuyết mới, còn khoa học ứng dụng là thu thập và phân tích dữ liệu thực nghiệm nhằm cung cấp tri thức mới. 

Nếu hiểu theo cách hiểu trên thì tôi nghĩ nhìn chung, khoa học cơ bản ở Việt Nam còn rất yếu. Số nhà khoa học thực sự làm nghiên cứu cơ bản (NCCB – fundamental research) chẳng bao nhiêu, và do đó mức độ hoạt động thể hiện qua số công trình cũng không nhiều. Dùng dữ liệu của ISI, tôi ước tính rằng số công trình NCCB của Việt Nam được công bố trên các tập san quốc tế mỗi năm chiếm khoảng 1/5 trên tổng số công trình. Ở một số ngành như y khoa thì nghiên cứu cơ bản còn cực kì thấp. Nhưng đây là tình trạng chung ở các nước đang phát triển vì phải đầu tư cho các vấn đề cấp thiết hơn như y tế và giáo dục.  Ở vài nước đang phát triển, người ta xem nghiên cứu cơ bản là xa xỉ, là hoạt động của các nước giàu có.

Tuy nhiên, có tín hiệu cho thấy tình hình khoa học cơ bản ở nước ta có vẻ xấu đi nhiều. Có lần nói chuyện với một bạn giảng viên ở một đại học phía nam, anh than rằng một số bộ môn khoa học cơ bản ở trường anh đang đứng trước nguy cơ bị “tuyệt chủng”, vì số sinh viên theo học quá ít. Thật vậy, cứ nhìn qua con số học sinh ghi danh vào các ngành học, chúng ta dễ dàng thấy số ghi danh các ngành như kinh tế, thương mại, kĩ thuật, y nha   dược chiếm đa số so với các ngành khoa học cơ bản như sinh học phân tử. Tình trạng này tôi đoán là sẽ xấu hơn nữa trong tương lai khi đầu tư cho nghiên cứu cơ bản còn hạn chế.


SVVN: Đối chiếu với ngành y khoa của ông thì sao? Trong những lần về nước nghiên cứu, ông thấy khoa học cơ bản trong y khoa thế nào, thưa GS?

NVT: Nghiên cứu khoa học cơ bản là nền tảng của y khoa. Không có nghiên cứu cơ bản, chúng ta khó mà biết được cơ chế của bệnh tật, và không biết cơ chế của bệnh thì việc can thiệp hay phát triển thuốc sẽ khó thành hiện thực. Chính vì thế mà nghiên cứu cơ bản đóng vai trò thiết yếu, gần như không thể thiếu được trong nghiên cứu y khoa. Trong các hội nghị khoa học, các báo cáo về nghiên cứu cơ bản chiếm ít nhất là 50% so với tổng số báo cáo.

Thế nhưng ở Việt Nam, nghiên cứu cơ bản trong y khoa rất rấtlu mờ!  Điều này có thể thấy qua các hội nghị khoa học cấp quốc gia và quốc tế và các hội thảo khoa học. Trong các hội nghị và hội thảo đó, phần lớn nội dung là những “báo cáo tổng quan” mà diễn giả chỉ đơn giản đọc lại những nghiên cứu của người khác, và diễn giả chẳng có nghiên cứu gì của chính mình để trình làng. Trong các hội nghị y học ở trong nước, rất hiếm thấy những công trình nghiên cứu cơ bản, hay nếu có thì cũng rất đơn sơ, chỉ lặp lại những gì người khác đã làm ở nước ngoài. Thật ra, phần lớn những nghiên cứu y học ở Việt Nam chỉ xoay quanh các chủ đề y tế công cộng rất thô sơ, và vì thế rất hiếm những công trình nghiên cứu lâm sàng chuyên sâu. Tôi đã nhiều lần nêu vấn đề về sự mất cân đối này trong nghiên cứu y học ở Việt Nam, nhưng có lẽ còn phải rất lâu mới khắc phục được vấn đề vì thói quen muốn làm nhanh và làm dễ đã ngự trị vào tư duy làm khoa học ở nhiều người trong một thời gian dài.  

SVVN: Chiến lược và tâm lý “đi tắt, đón đầu” trong khoa học liệu phải là một cách làm hay? Phải chăng đôi khi nó là dấu vết của kiểu tư duy “ăn xổi, ở thì”?

NVT:  Tôi đã nghe đến tư duy “đi tắt đón đầu” khá lâu, nhưng đáng ngạc nhiên là người ta lại có ý tưởng ứng dụng tư duy đó trong khoa học.  Có dạo, trước sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn, người ta có ý tưởng rằng cứ dịch những bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước thì tạp chí quốc sẽ đăng hết!  Có lẽ chính vì tư duy “ăn xổi” này mà rất nhiều nghiên cứu sinh thích chọn đề tài nào đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng để đối phó với tình thế chứ không phải để nhằm khám phá tri thức mới. Với cách làm “ăn xổi” như thế thì khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, không thể nào phát triển được.

Trong khoa học, tri thức được xây dựng từng bước một, và phải qua kiểm định độc lập trong một thời gian dài, chứ không phải đột phá theo kiểu một sớm một chiều là có được. Khám phá nhỏ ngày hôm nay làm chứng cứ cho khám phá ngày mai, người đi sau đứng trên vai người đi trước. Chẳng hạn như đứng trước câu hỏi về hormone và bệnh tiểu đường, người làm theo tư duy “ăn xổI” hay “đi tắt đón đầu” sẽ chọn cách làm đơn giản là tìm hiểu mối tương quan trên bệnh nhân của chính anh ta, nhưng người có tư duy khoa học nghiêm chỉnh sẽ đặt câu hỏi về cơ chế của mối liên quan, và tiếp cận vấn đề qua nghiên cứu cơ bản. Cách làm ăn xổi cũng cho ra sản phẩm, nhưng sản phẩm đó chỉ là phần ngọn, chứ không đứng trên một cơ sở nào vững vàng.  Tư duy “đi tắt đón đầu” có lẽ thích hợp trong thời chiến với du kích là một chiến thuật, nhưng trong khoa học thì không có “du kích”.

SVVN: GS có cảm tưởng rằng, trong phát triển khoa học, chúng ta đang mải mê phát triển phần ngọn, mà quên đi phần gốc không?

NVT:  Ở một vài nơi thì đúng là có tình trạng chạy theo ngọn mà quên phần gốc của khoa học. Nhiều người tự hào rằng Việt Nam có thể làm được những công trình mà các nước tiên tiến đang làm, cũng có những giải thưởng lớn mà các nước tiên tiến có, nhưng trong con mắt của các nước tiên tiến thì việc làm đó chỉ thể hiện mặc cảm thua kém (inferiority complex), bởi vì họ quên rằng những công trình đó (ở Việt Nam) chưa được xây dựng trên một nền tảng vững vàng.  Người ta có thể bào chế thuốc nhưng nếu không đầu tư cho nghiên cứu cơ bản thì đó chỉ là một sự ăn theo.  Việt Nam có thể thực hiện những ca phẫu thuật lớn, nhưng không có một hệ thống khoa học cơ bản hỗ trợ đằng sau thì đó chỉ là những thành tựu mang tính kĩ thuật nhất thời chứ không bền vững.

Chẳng hạn như có nơi người ta tuyên bố rằng chỉ tài trợ cho các nghiên cứu can thiệp chứ không ưu tiên cho các nghiên cứu cơ bản. Không có nghiên cứu cơ bản thì làm sao có điều kiện cho nghiên cứu can thiệp.  Ấy thế mà có nơi qui định cực kì lạ lùng và vô lí (nếu không muốn nói là quái gở) rằng làm nghiên cứu cấp tiến sĩ là phải làm nghiên cứu can thiệp! Với những chủ trương như thế thì làm sao khoa học phát triển đồng bộ được.  Nhưng tôi nghĩ nói cho công bằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quan tâm đến khoa học cơ bản.  Bằng chứng là Quĩ Nafosted ra đời chủ yếu nhằm hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, cách thức và qui định của Quĩ này có thể cải tiến tốt hơn.  Chẳng hạn như Quĩ kì vọng  rằng các nhà nghiên cứu phải công bố một hay 2 bài báo khoa học trong vòng 2 năm sau khi nhận tài trợ là một điều rất phi thực tế trong nghiên cứu cơ bản. Tôi nghĩ để cho nghiên cứu cơ bản phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải tiếp cận vấn đề khác với nghiên cứu ứng dụng.

SVVN: Những năm 1960s, nước Nhật sau những cuộc chạy đua phát triển, họ đã nhận ra gót chân Achille của mình là khoa học cơ bản yếu trầm trọng, và họ đã đầu tư nhân lực cho việc này. Trên thế giới có cuộc “thức tỉnh” nào tương tự, và ý nghĩa của nó là gì, thưa GS?

NVT:  Đối với các nước đang phát triển như nước ta, người ta vẫn còn đang tranh luận chung quanh câu hỏi: ưu tiên cho khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng?  Đầu tư cho khoa học cơ bản đòi hỏi thời gian dài để thấy được thành quả, và chỉ có các nước giàu có mới có khả năng đầu tư như thế. Những nước như Thái Lan và Mã Lai có cách tiếp cận khác: họ phát triển khoa học ứng dụng trước, và khi đã có đủ thực lực, họ mới phát triển khoa học cơ bản.  Nhưng ở Singapore, khoa học cơ bản đi trước khoa học ứng dụng.

Một phân tích rất công phu mới vừa công bố trên tập san PLoS ONE cho thấy khoa học cơ bản là động lực, là yếu tố có liên quan đến phát triển kinh tế. Trong phân tích đó, các tác giả “chứng minh” rằng trong khối các nước có thu nhập cấp trung bình thế giới, nước nào đầu tư cho khoa học cơ bản như vật lí và hoá học thì nền kinh tế phát triển nhanh hơn những nước đầu tư cho y sinh học.  Cái thông điệp chính của phân tích này là nước nào muốn có một nền kinh tế phát triển bền vững thì cần phải đầu tư vào khoa học cơ bản; nước nào muốn bỏ qua bước này thì sẽ thất bại.  Tuy nhiên, tôi không mấy ấn tượng với nghiên cứu này vì kết quả có thể rơi vào ngụy biện địa lí (ecologic fallacy).

SVVN: Có một thực tế là những người rất giỏi về khoa học cơ bản (điển hình như 2 nhà khoa học trẻ hiện tại là Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn), nếu họ về Việt Nam chắc chẳng thể có điều kiện để phát triển đến vậy. GS nghĩ gì về chuyện tạo môi trường dụng võ?

NVT:  Đó là tình hình chung ở các nước đang phát triển.  Nước nào cũng có những cá nhân xuất sắc, nhưng nền khoa học thì không phải được định hình bởi những cá nhân đó.  Rất nhiều người Việt Nam thành công một cách vượt trội và xuất sắc ở nước ngoài dù ở Việt Nam họ không xuất thân từ những “danh gia vọng tộc” (và báo chí Việt Nam cũng không biết đến họ).  Tại sao vẫn con người đó (vẫn gene đó) và văn hoá Việt Nam, khi ở trong nước thì không làm gì được, nhưng ra nước ngoài thì lại thành công? Tôi nghĩ trong giới khoa học, không nói ra thì ai cũng biết môi trường khoa học là điều kiện tiên quyết cho phát triển khoa học và sáng tạo.  Khi nói "môi trường" tôi không chỉ nói đến cơ sở vật chất, mà còn muốn nói đến văn hoá khoa học, và các giáo sư đẳng cấp quốc tế.  Người Việt chúng  ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, và có thể hiểu câu đó là nếu không có các giáo sư đẳng cấp quốc tế thì rất khó có những nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.  Một nền khoa học tốt được định hình bởi nhiều nhà khoa học có trình độ cao, chứ không phải chỉ bởi vài nhà khoa học.

Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy văn hoá khoa học ở Việt Nam chưa được định hình tốt, và do đó chưa phải là môi trường thuận lợi cho khoa học. Trong môi trường mà “chủ nghĩa cào bằng” thống trị, chủ nghĩa hình thức là cứu cánh, và sự gian dối lên ngôi thì không thể nào là môi trường cho khoa học được. Nhiều trung tâm ở Việt Nam không có chính sách đãi ngộ sáng tạo và nghiên cứu khoa học, nên nhà khoa học không có động cơ để sáng tạo.  Có nhiều nhà khoa học công bố nghiên cứu trên tập san hàng đầu thế giới, mà lãnh đạo không hề hay biết hay có biết thì cũng dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra!  Ngược lại, những hình thức “chiến sĩ thi đua” trong thực tế chỉ khuyến khích người ta làm những công trình nghiên cứu theo kiểu “ăn xổi”, làm cho có làm, thì không thể xem là môi trường khoa học được.  Việt Nam sẽ không bao giờ trở thành môi trường lí tưởng cho khoa học khi mà văn hoá khoa học còn chưa hình thành, và môi trường khoa học còn quá chông chênh.  

SVVN: Để khoa học cơ bản phát triển, theo GS, điều cốt yếu là phải làm gì?

NVT: Theo tôi, điều cốt yếu là xây dựng năng lực khoa học hay cái mà tiếng Anh gọi là capacity. Quan trọng nhất vẫn là con người, vì không có nhà khoa học thì không có nền khoa học.  Như đề cập trên, tôi thấy ở Việt Nam rất thiếu những nhà nghiên cứu cơ bản, và thành tựu của họ cũng chưa được ghi nhận đúng mức.  Tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Singapore về phát triển khoa học cơ bản. Năm 1991, Singapore đầu tư khoảng 0.4% GDP cho khoa học và công nghệ, đến năm 2010, con số này tăng gấp đôi (0.8% GDP). Hệ quả là số nhà khoa học thuộc Nhà nước quản lí tăng gấp 4 lần (nay là 13,000 người). 

Bằng cách nào Singapore có thể phát triển nhanh như thế?  Họ gửi sinh viên và nghiên cứu sinh tiến sĩ, hậu tiến sĩ sang các đại học hàng đầu thuộc các nước phương Tây để theo đuổi nghiên cứu cơ bản. Những người này khi về nước là những nhân tố giúp cho Singapore có nền khoa học cơ bản vững vàng như ngày nay.  Trong cùng thời gian gửi sinh viên ra nước ngoài, Singapore có chính sách thu hút nhân tài từ các nước phương Tây sang Singapore để thành lập các lab và trung tâm nghiên cứu cơ bản đẳng cấp quốc tế.  Ngày nay, Singapore đã có những viện nghiên cứu cơ bản tầm cỡ quốc tế, như Viện sinh học phân tử và tế bào học (IMCB).  Việt Nam chúng ta thậm chí chưa có một viện nghiên cứu y khoa đúng nghĩa!

SVVN: Bên lề hội nghị “Windows on the Universe 2013″ ở Quy Nhơn. Phóng viên phỏng vấn giáo sư David Gross (giám đốc Viện vật lý lý thuyết Kavli ở Đại học California, Santa Barbara, giải Nobel Vật lý năm 2004). Có phóng viên hỏi: What should we do to encourage young people to go to science? David Gross trả lời:Young people don’t really need a lot of encouragement; they need opportunities. I was in Ho Chi Minh City and I met many young students who want to enter science. What you need to do is to provide more opportunities for them. GS nghĩ gì về câu chuyện này, và chuyện provide more opportunities cho người trẻ?!
NVT:  Tôi nghĩ Gs Gross nói quá đúng. Chúng ta cần tạo cơ hội cho giới trẻ đi vào khoa học hơn là khuyến khích họ.  Một vấn đề nổi cộm hiện nay là giới trẻ không nhìn thấy tương lai trong khoa học, trong khi đó nhìn chung quanh họ thấy đồng môn các ngành như kinh tế và thương mại có thu nhập cao và tương lai xán lạn.  Do đó, tôi nghĩ tạo cơ hội trước hết là tạo tương lai, cho họ nhìn thấy tương lai và sự nghiệp.  Tôi đã từng đề nghị các trường đại học và viện nghiên cứu ở Việt Nam nên có những chương trình hậu tiến sĩ (chứ không phải đào tạo xong tiến sĩ là … xong), nên có những chương trình fellowship để ghi nhận đóng góp có ý nghĩa của các nhà khoa học trẻ. Không cần những giải thưởng mang tính hình thức theo kiểu truyền thông, không cần những “chiến sĩ thi đua”, không cần những giải thưởng màu mè, cũng không cần chạy theo những giải thưởng Olympic dành cho trẻ con, nhưng rất cần những chương trình thực chất để ghi nhận thành tích và nuôi dưỡng nhân tài.  Tạo cơ hội còn có nghĩa là hình thành một vài trung tâm nghiên cứu đẳng cấp elite, trung tâm xuất sắc, vì chính những nơi này là “nhà” của các nhân tài khoa học. Không có những trung tâm như thế, nhà khoa học trẻ sẽ như những người trôi dạt vô định hướng và tương lai của họ sẽ rất mù mờ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét