Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Bao nhiêu người sẽ không được cấp bằng lái xe?

Thế là Bộ Y tế và Giao thông vận tải lại “making news” qua qui định về nhữngtiêu chuẩn được cấp bằng lái xe.  Năm 2008, Bộ Y tế đã gieo một cơn bão với những tiêu chuẩn này và họ phải rút lại. Lúc đó, tôi nhớ báo chí quốc tế, kể cả tờ Guardian, đem những tiêu chuẩn đó là bêu rếu trên mặt báo. Nay họ lại làm “hồi sinh” những tiêu chuẩn đó nhưng có vài thay đổi. Thay đổi như thế nào? Lần này họ có phân nhóm rất phức tạp. Nào là nhóm C, D, E, F, A2; nhóm A3, A4, B2; và nhóm B1, A1. Tôi không rõ những kí hiệu này có nghĩa gì, nhưng đoán là áp dụng cho những loại xe cơ giới khác nhau.


Chúng ta thử xem qua tiêu chuẩn dành cho nhóm C, D, E, F, A2. Về chiều cao, qui định 2008 là người có chiều cao thấp hơn 145 cm không được lái xe; năm nay họ sửa thành thấp hơn 162 cm.  Về vòng ngực: trước đây, dự thảo qui định là người có vòng ngực thấp hơn 72 cm không được cấp giấy phép lái xe; năm nay họ sửa lại thành thấp hơn 78 cm.

Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi những tiêu chuẩn mới nếu qui định thành luật? May mắn thay, chúng tôi có những dữ liệu trích từ các công trình nghiên cứu trong cộng đồng ở Sài Gòn và Hà Nội, nên có thể trả lời câu hỏi này. Nghiên cứu ở Sài Gòn được tiến hành trên 1200 nam và nữ tuổi 18 trở lên được chọn ngẫu nhiên trong cộng đồng. Nghiên cứu ở Hà Nội chọn ngẫu nhiên ~700 nam và nữ trên 18 tuổi ở Hà Nội và Hà Đông. Mỗi nghiên cứu, chúng tôi dùng máy DXA để đo chiều cao, cân nặng, lượng xương, lượng mỡ, lượng cơ, v.v. Riêng nghiên cứu ở Sài Gòn, chúng tôi dùng máy Takeda để đo lực bóp tay (và nhiều chỉ số khác). Kết quả cho thấy chiều cao và cân nặng ở hai miền gần như nhau:

  • Về chiều cao: ở nam là 165 cm (Sài Gòn) và 164 cm (Hà Nội); ở nữ 154 (Sài Gòn) và 154 (Hà Nội).  Độ lệch chuẩn là 6.72 cm ở nam và 5.35 cm ở  nữ.
  • Về trọng lượng: ở Sài Gòn, nam là 61.5 kg (độ lệch chuẩn 9.53) ở nam và 52.2 (9.28) kg ở nữ. Hai số này cũng giống như ở Hà Nội.
  • Về lực bóp tay (thuận): nam là 34.7 kg (8.7) và nữ là 19.7 (5.9). Không có số liệu của Hà Nội.


Với những số liệu trên, rất dễ dàng để ước tính bao nhiêu người sẽ không được cấp giấy phép lái xe. Tôi thử tính sơ sơ như sau:

  •             Chiều cao (tiêu chuẩn là thấp hơn 162 cm): sẽ có 27% nam và 90% nữ không được lái xe;
  •             Trọng lượng (tiêu chuẩn là thấp hơn 47 kg): sẽ có 5% nam và 25% nữ không được lái xe;
  •             Lực bóp tay thuận (thấp hơn 30 kg): 26% nam và 94% nữ sẽ không được lái xe.

Với những kết quả phân tích trên, chúng ta thấy nữ sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn nam khi qui định của liên Bộ được phê chuẩn. Một qui định mà ảnh hưởng (xấu) đến 90% nữ - chỉ tính tiêu chuẩn chiều cao – thì phải nói là rất bất công và vô lí, và cần phải xem xét lại. Tôi nghĩ các vị trong Bộ trước khi đề ra những tiêu chuẩn về nhân trắc nên làm nghiên cứu cẩn thận, hay nếu chưa làm thì nên tham khảo y văn hay các chuyên gia để đảm bảo tiêu chuẩn hợp lí hơn.

Cần nói thêm là ở nước ngoài, quyền lái xe được xem là một trong những quyền con người (human rights). Ngay cả người khuyết tật cũng được quyền lái xe. Không những có quyền lái xe, mà Nhà nước còn có những qui chế ưu tiên cho họ về bãi đậu xe và lái xe trên đường lộ. Thế mới là một xã hội văn minh. Còn đằng này, ở bên nhà, Nhà nước chẳng những chẳng có qui chế ưu tiên cho người khuyết tật, mà còn đề ra những tiêu chuẩn hạn chế người dân được quyền lái xe!

Tôi nghĩ cần có những tiêu chuẩn cho lái xe để đảm bảo an toàn giao thông. Điều đó hoàn toàn hợp lí. Nhưng những tiêu chuẩn đó phải được điều nghiên cẩn thận, chứ không phải ban hành giống như "từ trên trời rơi xuống", rồi bắt mọi người phải tuân theo. Làm như thế đâu thể gọi là dân chủ được.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét