Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Đánh giá khoa học: con số và những hiểu lầm tai hại

Một phóng viên có nhã ý giới thiệu bài viết “Đi tìm sự thật thông tin ‘9.000 Giáo sư sao không có bằng sáng chế’” đến tôi, và hỏi có ý kiến gì để bàn thêm. Dĩ nhiên là tôi có ý kiến, bởi vì một mặt tôi quan tâm đến vấn đề, mặt khác những phát biểu trong bài có trực tiếp hay gián tiếp bàn đến những vấn đề và thông tin tôi đã từng phát biểu trước đây. Theo tôi, bài báo có vài sai sót, nếu không muốn nói là sai lầm, về chuyện bằng sáng chế, về vấn đề xếp hạng tạp chí, và so sánh Úc với Hàn Quốc.


Thứ nhất là vấn đề bằng sáng chế.  Bài báo trích dẫn ý kiến của Gs Trần Văn Nhung rằng chỉ có những ngành kĩ thuật mới đăng kí bằng sáng chế, còn khoa học cơ bản thì không cần đăng kí bằng sáng chế. Tôi e rằng ý kiến này phản ảnh đúng thực tế ở Việt Nam chứ không đúng thực tế trong nghiên cứu khoa học.  Trước đây, tôi đã nói và xin nhắc lại rằng trong thực tế, thành tựu của nghiên cứu khoa học cơ bản cũng có thể đăng kí bằng sáng chế.  Có thể xem qua cơ sở dữ liệu của USPTO để biết người ta đăng kí bằng sáng chế về lĩnh vực gì.  Chẳng hạn như một phương pháp phân tích gene, phương pháp làm tăng mật độ xương, phương pháp điều trị loãng xương, tìm ra cách nhận dạng một protein rõ ràng hơn, một phương trình để tiên lượng bệnh ung thư, một mô hình kết hợp các yếu tố gene và lâm sàng để tìm những bệnh nhân lí tưởng cho điều trị, v.v. tất cả đều có thể đăng kí bằng sáng chế.  Ngay tại Viện nghiên cứu Garvan của tôi (một viện nghiên cứu cơ bản và lâm sàng) mỗi năm người ta đăng kí khoảng chục bằng sáng chế. 

Thứ hai là những con số thống kê về bằng sáng chế. Trước đây, Ts Lê Văn Út và Thái Minh Toàn có làm một thống kê về bằng sáng chế dựa vào cơ sở dữ liệu của USPTO (tức là United States Patent and Trademark Office) cho thấy số bằng sáng chế được đăng kí của Việt Nam rất ít, có năm (như năm 2011) chẳng có bằng sáng chế nào.  Tuy nhiên, bài báo trên VietQ cung cấp thống kê cho thấy năm 2011, Việt Nam có 40 bằng sáng chế.  

Điều này hoàn toàn không có nghĩa là con số của Ts Lê Văn Út và Thái Minh Toàn là sai; vấn đề là cơ sở dữ liệu.  Trên thế giới có nhiều trung tâm cấp bằng sáng chế, nhưng công bằng mà nói chỉ có USPTO là uy tín nhất, được các cơ quan đánh giá khoa học quốc tế (kể cả UNESCO) dùng làm “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá. Còn số liệu của bài báo trên VietQ thì chúng ta không biết xuất phát từ đâu, nhưng có thể nói là rất đáng ngờ.  Rất đáng ngờ là vì bài báo có thông tin cho rằng Việt Nam là một trong 10 quốc gia “có đơn đăng ký sáng chế nộp trực tiếp năm 2011 nhiều nhất.”  Xem bảng dưới đây.  Nhiều chỉ sau Nhật và Mĩ!  Con số đơn đăng kí của VN còn nhiều hơn cả Đức, Đài Loan, và Hàn Quốc! Nếu những con số này đúng thì thành tựu khoa học công nghệ của Việt Nam quả là quá tuyệt vời. Điều đó một lần nữa cho thấy ý nghĩa quan trọng về sự khác biệt về nguồn gốc dữ liệu.
 
VietQ: 10 quốc gia có đơn đăng ký sáng chế nộp trực tiếp năm 2011 nhiều nhất. Việt Nam đứng thứ 3 
 

Thứ ba là khái niệm chất lượng sáng chế. Bài báo trích dẫn ý kiến của Gs Hoàng Tụy cho rằng “số lượng bằng sáng chế phản ảnh số lượng, chứ chưa phải chất lượng sáng tạo KHCN. Ví dụ, Hàn Quốc có số dân ít hơn các nước Đức, Anh, Úc nhưng số bằng sáng chế năm 2011 vượt trội nhiều lần, không có nghĩa công nghệ Hàn Quốc đã vượt các nước đó.” Ở đây chắc là Gs Tuỵ lầm, vì dân số Hàn Quốc hiện nay là 50 triệu, còn Úc chỉ có khoảng 23 triệu dân. Do đó, không thể nói rằng dân số Hàn Quốc nhỏ hơn dân số Úc.  Dĩ nhiên, không thể dựa vào những con số đó để nói công nghệ của Hàn Quốc vượt qua Úc, nhưng cũng không thể nói Úc hơn Hàn Quốc. Tuy nhiên, những thành tựu thực tế cộng với những con số đó nghiêng về nhận xét công nghệ của Hàn Quốc hơn hẳn Úc.

Dĩ nhiên, con số bằng sáng chế hay con số bài báo khoa học chỉ phản ảnh số lượng!  Tôi thấy ý kiến này rất thú vị, vì lần đầu tiên tôi nghe đến khái niệm “chất lượng sáng tạo”. Tôi chưa biết đó là gì, nhưng tìm trong chuyên ngành scientometrics thì không thấy ai đề cập đến; chỉ thấy người ta đề cập đến số hiệu quả kinh tế của bằng sáng chế. Một bằng sáng chế mà mỗi năm đem về cho quốc gia vài triệu USD chắc chắn là một phát kiến có hiệu quả hơn bằng sáng chế mà chẳng ai mua và chẳng đem lại lợi ích gì cho quốc gia.

Không có lí do gì và không có chứng cứ gì để nói rằng công nghệ của Hàn Quốc không vượt trội hơn Úc.  Cũng xin nói lại cho rõ: không có một chứng cứ nào để nói rằng chất lượng sáng tạo của Hàn Quốc kém hơn Úc.  Đừng thấy Úc có thu nhập cao và đời sống tốt mà nghĩ rằng Úc hơn các nước khác về khoa học và công nghệ.  Tôi đã ở đất nước Úc hơn 30 năm, và là một chứng nhân cho sự suy thoái khoa học và công nghệ của nước này.  Ba mươi năm trước, Úc còn có kĩ nghệ lắp ráp hàng điện tử, nhưng đến năm 1990 thì các kĩ nghệ này không còn nữa.  Trong cùng thời gian, Hàn Quốc nổi lên như là một cường quốc về công nghệ và khoa học.  Đến nay, làm sao Úc có thể so sánh với Hàn Quốc về công nghệ điện tử?  Úc có chế tạo được điện thoại di động như Hàn Quốc? Úc có sản xuất được các tivi, máy chụp hình, máy tính, v.v. như Hàn Quốc?  Làm sao Úc có thể so sánh nổi với Hàn Quốc về công nghệ sinh học?  Ngay cả lĩnh vực mạnh của Úc là nghiên cứu y học mà còn đang bị các nước mới nổi như Tàu và Hàn Quốc đe doạ.  

Chúng ta phải nhìn vào những con số khách quan, những con số mà các tổ chức đánh giá khoa học quốc tế sử dụng để so sánh.  Ý kiến cá nhân cũng thú vị, nhưng chỉ dừng ở đó: thú vị.  Ý kiến cá nhân không làm sáng tỏ vấn đề.  Số liệu cụ thể và có nguồn gốc đáng tin cậy mới cho chúng ta một “bức tranh” tốt hơn.  Số liệu của USPTO cho thấy trong thời gian 2007-2011, Úc đăng kí được khoảng 9000 bằng sáng chế, trong khi đó Hàn Quốc đăng kí 51,307 bằng sáng chế.  Còn Việt Nam thì đăng kí được 5 bằng sáng chế. Ngay cả những người quản lí khoa học cấp cao nhất của Úc cũng không dám nói rằng Úc hơn Hàn Quốc về công nghệ! 

Cũng đừng nghĩ rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của Úc hơn Hàn Quốc.  Bảng dưới đây thống kê con số bài báo khoa học của Úc và Hàn Quốc trong thời gian 2009-2012.  Năm 2012, số bài báo khoa học của Hàn Quốc đã vượt qua Úc, dù trước đó số bài báo của Hàn Quốc thấp hơn Úc. 


2009
2010
2011
2012
Australia
38771
41284
44883
45675
Korea
36406
40107
44227
47172

Nguồn: Web of Science (21/3/2013) 

Đó là số lượng, còn chất lượng thì sao? Nhìn chung, chất lượng nghiên cứu khoa học (tôi không nói đến công nghệ) của Hàn Quốc vẫn còn thấp hơn Úc một chút.  Nhưng chất lượng và tầm ảnh hưởng nghiên cứu khoa học của đại học hàng đầu của Hàn Quốc (SNU) đã gần bằng với các đại học hàng đầu của Úc.  Bảng dưới đây cho thấy, chỉ số trích dẫn của SNU là 8.82, gần bằng với UNSW của Úc.  Tuy nhiên, về tầm ảnh hưởng (qua chỉ số H) thì nghiên cứu của SNU đã cao hơn UNSW.  

Số bài báo năm 2009 và  chỉ số trích dẫn của Đại học Quốc gia Seoul và vài đại học hàng đầu của Úc

Trường
Số bài báo
Chỉ số trích dẫn
Chỉ số H
SNU (ĐHQG Seoul)
5120
8.82
57
UNSW
3127
9.90
54
Univ Sydney
4309
10.79
63
Univ Melbourne
4368
11.17
72
Singapore Nat Univ
4285
10.73
64

Nguồn: Web of Science (21/3/2013) 

Thứ tư là con số giáo sư / phó giáo sư của Việt Nam.  Bài báo trích dẫn nhận xét của Gs Trần Văn Nhung, Tổng Thư kí Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, phê bình rằng bài báotrên Vietnamnetcó nhiều điểm chưa chính xác”. Ông giải thích thêm rằng “Vì tổng cả giáo sư, phó giáo sư từ trước tới nay (tính cả người đã mất) mới lên đến 9000. Trong đó, giáo sư đã được phong khoảng 1.300, số giáo sư hiện nay đang làm việc khoảng 300 – 500 người.”  Tôi e rằng những con số của Gs Nhung không chính xác.  

Tính từ đợt phong hàm đầu tiên (1980) cho đến năm 2011, Việt Nam đã phong 9182 người, bao gồm 1432 giáo sư và 7750 phó giáo sư.  Năm 2012, Việt Nam có thêm 469 người với chức danh giáo sư (42) và phó giáo sư (427).  Như vậy, tính đến năm 2012 Việt Nam đã có 9651 giáo sư và phó giáo sư, trong đó số giáo sư là 1474.  Do đó, những con số của Gs Trần Văn Nhung e rằng không đúng với thực tế.

Thứ năm là câu chuyện xếp hạng tạp san khoa học.  Bài báo trích dẫn ý kiến của Gs Hoàng Tuỵ cho rằng “Các tạp chí ISI cũng có nhiều loại, xếp hạng máy móc, không hợp lý, cho nên thường người ta chỉ phân các tạp chí ISI trong mỗi ngành thành ba hạng A, B, C để so sánh. Hơn nữa, nếu đánh giá sự phát triển KHCN mà chỉ dựa trên số lượng công bố quốc tế thì đương nhiên nền toán học của những nước đông dân như Trung Quốc sẽ xếp hạng vượt xa nền toán học của các nước ít dân hơn như Na Uy, Thụy Điển, BaLan, Hungary...dù thực tế không phải vậy.”

Rất khó hiểu nhận xét trên!  Nếu xếp hạng máy móc thì tại sao lại phân chia thành 3 hạng A, B, C?  Phân nhóm như thế càng máy móc.  Không có một cơ quan đánh giá khoa học nào mà ngây thơ đến nổi chỉ sử dụng một chỉ số (như số lượng bài báo) để đánh giá một nền khoa học.  Không bao giờ có.  Người ta thường sử dụng rất nhiều chỉ số về chất lượng.  Đằng sau những chỉ số này là cả một khoa học (có tên là scientometrics hay bibliometrics) mà tôi không muốn bàn ở đây.  Tôi chỉ muốn nói rằng các tổ chức đánh giá khoa học quốc tế đều sử dụng các phương pháp scientometrics để đánh giá và so sánh giữa nền khoa học.  Điều chỉnh số lượng cho dân số mà so sánh thì e rằng trên thế giới không có ai đủ can đảm tri thức để làm chuyện đó cả. 

Bây giờ tôi bàn về cách xếp hạng tập san mà Gs Tuỵ nhắc đến, vì đây là một sai lầm nghiêm trọng.  Trước đây, tôi cũng định bàn về vấn đề này, nhưng thấy có lẽ vì hiểu lầm một lần nên tôi không nói qua, nhưng nay đến lần thứ hai thì tôi phải nói cho rõ.  Thật ra, không phải “thường người ta” phân loại tập san, mà chỉ có Úc làm chuyện này thôi (tôi chưa biết có nước nào trên thế giới làm như cách của Úc).  Tôi biết khá rõ cách làm này vì năm nào chúng tôi cũng phải chú ý đến những cái mới của cơ quan tài trợ và cũng là người duyệt các đề cương xin tài trợ. Xin nói ngay rằng không phải phân thành 3 nhóm A, B, C như Gs Tuỵ nói, mà là 4 nhóm A*, A, B, và C.  Nhưng cách phân nhóm tập san này đã bị loại bỏ 2 năm trước.  Ấy thế mà có người ở Việt Nam lại muốn “cứu sống” cách làm này! 

Câu chuyện hơi dài dòng, nhưng tôi sẽ nói ngắn gọn.  Mỗi năm Chính phủ Úc dành ra một ngân sách lên đến hàng tỉ đôla cho nghiên cứu khoa học, và vấn đề đặt ra là làm sao phân phối số tiền này một cách công bằng.  Nếu hai nhà khoa học hay hai nhóm khoa học cùng xin tài trợ cho nghiên cứu một đề tài nào đó, và vì số tiền có hạn, nên câu hỏi là: làm sao chọn nhóm tốt nhất?  Chỉ có một cách làm qua đánh giá của các chuyên gia.  Mà, các chuyên gia cần có những chuẩn mực để đánh giá thành tích của nhà khoa học. Mỗi chuyên ngành khoa học có những tập san với mức độ ảnh hưởng và chất lượng rất khác nhau, và các chuyên gia thường dựa vào hệ số ảnh hưởng (impact factor – IF) để đánh giá chất lượng. Tập san nào có hệ số IF càng cao cũng có nghĩa là tập san có chất lượng càng cao.  Như là một qui luật, công bố nghiên cứu trên những tập san có IF cao cũng có thể hiểu là chất lượng nghiên cứu cao.  Nhìn qua lí lịch của nhà khoa học, người ta có thể đánh giá đẳng cấp của họ cỡ nào.  Ví dụ như người công bố hàng trăm công trình nghiên cứu trên những tập san “làng nhàng” thì không thể nào so sánh với người có vài công trình trên những tập san có IF cao.

Nhưng mấy năm gần đây IF bị phê bình khá nhiều, nên người ta cố gắng đi tìm một thước đo khác tốt hơn. Bộ khoa học và công nghệ Úc đã tài trợ cho một nhóm chuyên gia tìm một phương pháp mới để đánh giá chất lượng tập san khoa học khách quan hơn.  Sau một thời gian nghiên cứu, các chuyên gia đề nghị phân loại tập san khoa học thành 4 nhóm: A*, A, B, C.  Nhóm A* bao gồm những tập san mà chất lượng thuộc nhóm 5% cao nhất (top 5%).  Nhóm A bao gồm 15%; nhóm B 30%, và nhóm C 50%.  Dựa vào cách phân nhóm này, các hội đồng khoa học sẽ cho điểm nhóm nghiên cứu và dùng số điểm đó như là một chỉ tiêu để quyết định tài trợ cho nghiên cứu. 

Nhưng các phân nhóm đó bị các nhà khoa học phản đối kịch liệt.  Chẳng hạn như trong chuyên ngành nội tiết loãng xương, cách phân nhóm của Úc xếp tập san Osteoporosis International (IF ~4) và Journal of Bone and Mineral Research (IF ~6) trong một nhóm A*, nhưng các chuyên gia trong ngành đều không đồng ý (do hai tập san đó có chất lượng rất khác nhau).  Cũng vì cách phân nhóm này mà một tập san của Úc phải đóng sổ! Nếu tôi muốn có tài trợ, tôi chỉ cần chọn mấy tập san trong nhóm A hay A* (ví dụ như thay vì chọn JCEM, tôi chọn European Journal of Endocrinology vì cả hai đều trong nhóm A) để công bố, nhưng đồng nghiệp trong ngành ai cũng biết hai tập san này có đẳng cấp rất khác nhau. Cách phân nhóm này còn làm cho khoa học Úc trở nên tầm thường. 

Giữa năm 2011, Bộ trưởng khoa học và Công nghệ Úc là Kim Carr tuyên bố bỏ cách phân nhóm tập san khoa học.  Ông nói rằng cách làm đó dựa vào thông tin kém chính xác, không công bằng, và chỉ đem lại hệ quả xấu cho nền khoa học Úc.  Phải nói đây là một quyết định sáng suốt của Úc, nhưng cũng làm cho Chính phủ và các chuyên gia đằng sau phương pháp xếp hạng đó một phen “đỏ mặt” (chưa nói đến hàng triệu USD đổ vào để cho ra một phương pháp gần như vô dụng).  Điều đáng nói ở đây là dù Úc đã bỏ cách làm này, nhưng tôi nghe nói ở Việt Nam có người đề nghị làm theo Úc! 

Nói tóm lại hai bài báo trên VietQ có nhiều sai sót và sai lầm. Những sai sót về con số thống kê có lẽ không quan trọng, nhưng điều đáng ngạc nhiên là người trong cuộc về phong chức danh giáo sư mà không nắm được con số!  Những con số về bằng sáng chế hay Việt Nam là nước thứ 3 có số đơn sáng chế cũng cần phải xem lại nguồn gốc một cách nghiêm chỉnh. Ngoài ra, những sai lầm mang tính quan điểm  như chỉ có kĩ nghệ và công nghệ mới đăng kí bằng sáng chế cần phải sửa đổi.  Xin nhắc lại những khám phá trong nghiên cứu cơ bản cũng có thể đăng  kí bằng sáng chế.  Tôi nghĩ không nên áp dụng cách phân loại tập san khoa học (theo nhóm A*, A, B, và C) mà Úc đã loại bỏ vì việc làm đó có thể tầm thường hoá khoa học và ảnh hưởng xấu đến nền khoa học nước nhà.  

N.V.T 

Đọc thêm:




Đi tìm sự thật thông tin “9.000 Giáo sư sao không có bằng sáng chế” (http://vietq.vn/thoi-su/thoi-su-trong-nuoc/542-di-t236m-su-that-th244ng-tin-9000-gi225o-su-sao-kh)




Journal rankings ditched: the experts respond (http://theconversation.com/journal-rankings-ditched-the-experts-respond-1598)  


====

Đi tìm sự thật thông tin “9.000 Giáo sư sao không có bằng sáng chế”

(VietQ.vn) – Ngay viện Hóa học, chỉ riêng GS.TSKH Trần Văn Sung đã có 2 bằng sáng chế (patent). Số lượng giáo sư, phó giáo sư (đã qua đời) mới lên đến 9.000 người. 

Thông tin “9.000 Giáo sư sao không có bằng sáng chế” đăng tải cách đây 1 năm trên một số trang thông tin đã từng gây dư luận sửng sốt. 


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) thăm Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm (Bộ Y tế).  Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 loại vắc-xin cho tiêm chủng và được xếp vào danh sách các nước có thế mạnh trong sản xuất vắc-xin trên thế giới. Đặc biệt, đã nghiên cứu sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh gây dịch nguy hiểm mới xuất hiện: cúm A/H5N1 trên người; cúm A/H1N1…
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân  thăm Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm (Bộ Y tế). Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 loại vắc-xin cho tiêm chủng và được xếp vào danh sách các nước có thế mạnh trong sản xuất vắc-xin trên thế giới. Đặc biệt, đã nghiên cứu sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh gây dịch nguy hiểm mới xuất hiện: cúm A/H5N1 trên người; cúm A/H1N1…Ảnh: TTXVN

Số liệu không chính xác

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, ngay ở viện Hóa học, chỉ riêng GS.TSKH Trần Văn Sung đã có 2 sáng chế (patent) về hợp chất chiết suất từ cây cỏ của Việt Nam, được đăng ký sáng chế ở cơ quan sở hữu trí tuệ của châu Âu (EU).

Những nhà khoa học khác của viện Hóa cũng có những sáng chế, phát minh. Theo GS Trần Văn Sung (nguyên viện trưởng viện này), số lượng lên đến hàng chục phát minh.

Còn GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, bài báo trên có nhiều điểm chưa chính xác. Vì tổng cả giáo sư, phó giáo sư từ trước tới nay (tính cả người đã mất) mới lên đến 9000. Trong đó, giáo sư đã được phong khoảng 1.300, số giáo sư hiện nay đang làm việc khoảng 300 – 500 người.

Mặt khác, chỉ những ngành kỹ thuật mới đăng ký sáng chế (patent), còn các ngành khoa học cơ bản, phát minh được thể hiện qua các bài báo đăng trên những tạp chí khoa học nổi tiếng và uy tín của thế giới.

GS Trần Văn Nhung cho biết, bổ đề cơ bản mà GS Ngô Bảo Châu chứng minh cũng không có bằng patent, mà được công bố trên các tạp chí Toán học uy tín.

Cần xem lại cách đánh giá

Bình luận về cách đánh giá mức độ phát triển KHCN, GS Hoàng Tụy từng phát biểu rằng, không thể chỉ căn cứ duy nhất và máy móc vào những chỉ số định lượng, như số lượng công bố quốc tế và trích dẫn trên các tạp chí ISI. 

Các tạp chí ISI cũng có nhiều loại, xếp hạng máy móc, không hợp lý, cho nên thường người ta chỉ phân các tạp chí ISI trong mỗi ngành thành ba hạng A, B, C để so sánh. Hơn nữa, nếu đánh giá sự phát triển KHCN mà chỉ dựa trên số lượng công bố quốc tế thì đương nhiên nền toán học của những nước đông dân như Trung Quốc sẽ xếp hạng vượt xa nền toán học của các nước ít dân hơn như Na Uy, Thụy Điển, BaLan, Hungary...dù thực tế không phải vậy.

GS Hoàng Tụy phân tích, số lượng bằng sáng chế phản ảnh số lượng, chứ chưa phải chất lượng sáng tạo KHCN. Ví dụ, Hàn Quốc có số dân ít hơn các nước Đức, Anh, Úc nhưng số bằng sáng chế năm 2011 vượt trội nhiều lần, không có nghĩa công nghệ Hàn Quốc đã vượt các nước đó. 

Còn GS Trần Văn Sung nêu khó khăn khi đăng ký sáng chế là vấn đề kinh phí. Khi được xét duyệt ở cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu, nhà khoa học đã phải mất 10 nghìn USD, sau đó mỗi năm cũng phải đóng một khoản kinh phí không nhỏ.
Vì thế, dù khả năng sáng tạo và sự đóng góp ngang ngửa các chuyên gia nước ngoài, theo GS Trần Văn Sung, nhiều khi những phát minh của chúng ta vẫn phải đứng tên và đứng sau tên của các nhà khoa học nước ngoài hoặc công ty tư bản.

Ông mong muốn khi các nhà khoa học Việt Nam có những sáng chế mới, chất lượng cao thì nhà nước có thể hỗ trợ kinh phí để những người làm nghiên cứu có tiền đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được xét duyệt. (Còn nữa)

Hoàng Lan



Việt Nam ngày càng có nhiều phát minh, sáng chế


(VietQ.vn) – Không như những lời đồn đại tiêu cực, thực tế, người Việt Nam ngày càng có nhiều bằng sáng chế. Mỗi năm tăng đến 10% số lượng phát minh.
>Đi tìm sự thật thông tin “9.000 Giáo sư sao không có bằng sáng chế”


Những con số chứng minh


Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN đã thống kê số lượng sáng chế đăng ký và được bảo hộ hàng năm.

Theo đó, số sáng chế của người dân Việt Nam (từ nông dân đến nhà khoa học) đều tăng theo mỗi năm.

GS Trần Văn Sung - nguyên viện trưởng viện Hóa, nhận định, dù chưa được bằng Thái Lan hay Nhật Bản, song các nhà khoa học Việt Nam vẫn có nhiều sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, cho dù đãi ngộ thấp hơn các nước đó nhiều lần.


Số lượng bằng sáng chế được bảo hộ của Việt Nam đến 2011. Năm 2012, Việt Nam được bảo hộ 45 bằng sáng chế, 59 giải pháp hữu ích

Số lượng giải pháp hữu ích được bảo hộ qua các năm

Tỷ lệ
Tỷ lệ chủ thể bằng sáng chế

10 quốc gia có đơn đăng ký sáng chế nộp trực tiếp năm 2011 nhiều nhất. Việt Nam đứng thứ 3


Vì đâu số lượng sáng chế của Việt Nam còn khiêm tốn?


Theo Cục Sở hữu trí tuệ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.

Trước hết, do nền kinh tế của Việt Nam có xuất phát điểm rất thấp, tuy có những bước phát triển trong những năm vừa qua nhưng chủ yếu đạt được là do đầu tư nước ngoài, hoạt động lắp ráp, khai khoáng, gia công các sản phẩm hàng hóa. Còn sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp ít gắn với ứng dụng chất xám và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Điều này tác động đến nhu cầu đổi mới công nghệ - kỹ thuật còn hạn chế.

Trên 90% doanh nghiệp Việt là vừa và nhỏ, thiếu tiềm lực về vốn, nhân lực, kinh nghiệm quản lý... Trong khi ít tập đoàn nhà nước có truyền thống và kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng (R&D).

Còn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực lắp ráp, thương mại, bất động sản... nên ít khuyến khích tạo ra sáng chế.

Hơn nữa, để sáng tạo ra sáng chế có ứng dụng lớn, đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về kinh phí và con người. Ở Mỹ, có hẳn đạo luật Bayl – Dole hỗ trợ kinh phí và khuyến khích nhập cư với những nhà khoa học tài năng từ các nước khác. Còn ở Việt Nam, kinh phí cho khoa học vừa chưa cao, vừa bị sử dụng sai mục đích ở nhiều địa phương.

Mặt khác, những người làm nghiên cứu thường bỏ qua hoặc xem nhẹ việc tra cứu các bằng sáng chế đã được thực hiện nên có những nghiên cứu còn lặp lại, gây lãng phí. Hoặc lại có những người ngại đi đăng ký vì sợ có thể lộ bí mật về công nghệ.

Tuy việc đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ quan trọng như vậy nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có nơi nào đào tạo về sở hữu trí tuệ.


Do chất lượng khu vực tư nhân thấp

"Mục đích của bằng sáng chế là bảo vệ sự sáng tạo trong khu vực tư nhân, đảm bảo các công ty thu được lợi nhuận từ những cải tiến của họ. Thông thường, các nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng trong các viện nghiên cứu, đại học của Chính phủ đều không dẫn đến bằng sáng chế, dù tính sáng tạo của nó ở mức độ nào đi chăng nữa.

Do đó, việc thiếu vắng những bằng sáng chế ở Việt Nam là một hệ quả, không phải là một sự thất bại trong hệ thống đại học, mà là chất lượng thấp của khu vực tư nhân.

Hàn Quốc có nhiều bằng sáng chế vì công nghiệp Hàn Quốc đã phát triển ở mức độ cao, với nhiều tên tuổi lớn, có khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử, xe hơi và những công ty ở đó có mạng lưới R&D dày đặc.

Còn Việt Nam và các nước thuộc thế giới thứ ba không có một công ty quan trọng nào đi đầu trong sáng tạo kỹ thuật. Và các chi nhánh tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia chỉ tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, phân phối và các hoạt động liên quan chứ không phải là phát triển sáng tạo kỹ thuật mới".
GS Neal Koblitz (Đại học Washington, Mỹ) 


Hoàng Lan



0 nhận xét:

Đăng nhận xét