Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Tết Quí Tị ở Sydney



-->
Chỉ còn vài giờ nữa là đến Giao thừa, và chúng ta sẽ thêm một tuổi đời.  Giờ này ở bên nhà chắc bà con đang chuẩn bị ăn Tết.  Ở bên này (Úc), bà con cũng chuẩn bị Tết, nhưng Tết bên này hơi khác với Tết bên nhà.  Tôi đi một vòng chợ Tết vùng Bankstown và muốn chia sẻ vài hình ảnh cùng các bạn, cứ xem như là một chia sẻ của tôi nhân ngày Tết Quí Tị.




Ngày mồng Một năm nay rơi vào ngày Chủ nhật, và đó là một may mắn.  Tết dĩ nhiên không phải là một ngày lễ của người Úc; nên đối với họ, ngày Tết của ta như những ngày thường của họ.  Ngày Chủ nhật là ngày nghỉ, nhưng đúng ngày Tết thì đó là một ngày nghỉ có ý nghĩa hơn đối với người Việt.  Trong thực tế thì dù là ngày thường hay ngày cuối tuần, người Việt ở đâu cũng tưng bừng đón Tết. 



Ở Úc, có cái may mắn là đồng hương khá đông (chỉ riêng ở Sydney số đồng hướng chắc lên đến con số 20 ngàn người), nên ăn Tết ở đây cũng “xôm tụ” chẳng kém bất cứ nơi nào.  Bánh tét, bánh chưng, mứt, dưa hành, nồi thịt kho, câu đối, v.v. tất cả đều có ở đây.  Mấy năm gần đây, đường bay trực tiếp từ Sài Gòn – Sydney được nâng cấp lên hàng ngày, nên càng ngày càng có nhiều hàng hoá từ Việt Nam sang.  Nhiều hộp bánh mứt màu mè rất sặc sỡ, dễ thu hút sự chú ý của đồng hương.  Nhưng chẳng hiểu sao những hàng hoá này rất khó tiêu thụ (dù giá rẻ hơn ngoài này), và sau ngày Tết rất nhiều bánh mứt từ Việt Nam sang nhiều khi bị ứ đọng.  Tìm hiểu thì mới biết là có sự nghi ngờ về phẩm chất hàng hoá từ Việt Nam.  Đồng hương ở đây vẫn nhìn những thực phẩm nói chung, và hàng Tết nói riêng, bằng một ánh mắt nghi ngờ. Đặc biệt là những món hàng có xuất xứ từ miền Bắc thì mức độ nghi ngờ còn cao hơn.  Không phải kì thị gì ở đây; người ta nghi ngờ phẩm chất có đạt hay không, vệ sinh an toàn thực phẩm có đúng chuẩn mực hay không.  Qua báo chí, người ta càng sợ vì hàng hoá và thực phẩm bên nhà sử dụng hoá chất Tàu quá nhiều.   Đến nổi mực và gạo mà còn làm bằng plastic thì đúng là bó tay.  Thú thật, cá nhân tôi cũng nằm trong số đông nghi ngờ đó.  Ở một mức độ nào đó, tôi đã mất niềm tin vào đạo đức kinh doanh của người Việt.  Tôi thấy rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn làm ăn theo tư duy của Tàu, tức là đặt lợi nhuận trên và trước đạo đức xã hội và an toàn cho người tiêu thụ.  Ở Việt Nam mà nói đến đạo đức và quan tâm đến người tiêu dùng thì có lẽ là một điều gì đó quả xa xỉ.



Quay lại chuyện Tết.  Vật chất ngày Tết thì có đấy, nhưng thiếu là cái không khí và không gian.  Cái không khí Tết ở bên nhà bắt đầu từ nồi bánh tét.  Ngày xưa ở bên nhà, Má tôi và cả nhà phải gói bánh tét một hay hai ngày trước Tết, và đám nhỏ chúng tôi rất thích thú được phân công canh nồi bánh tét suốt đêm.  Nhưng ngày nay, ở bên này, với công nghệ hiện đại, người ta chỉ cần ba bốn tiếng đồng hồ là đã xong một nồi bánh tét!  (Tôi không quen ăn bánh chưng, nên chỉ biết có bánh tét thôi.)  Còn nồi thịt kho thì thú thật cũng bắt đầu biến tướng.   Ngày xưa ở bên nhà, nồi thịt kho phải kho bằng nước dừa già, và mấy miếng thịt heo phải có mỡ lềnh bềnh trên nồi thì … mới ngon.  Nhưng ngày nay, thấy mỡ là bà con sợ như thấy hung thần.  Không ai bước vào một dòng sông hai lần, nên chuyện đổi thay là chuyện thường, và mình phải chấp nhận thôi. 



Khí trời cũng rất khác giữa bên Ta và bên này.  Ở bên nhà giờ này là mùa đông (trên lí thuyết), còn ở bên này đang giữa mùa hè. Đã từ lâu, tôi quen với cái thời điểm Tết về khi khí trời có vẻ trở nên dịu dàng.  Trên sông thì có vài ngọn gió bấc khấy động mặt nước lăn tăn.  Những ngọn gió bấc và sóng nước đó nó làm người ta xôn xao đón Tết.  Còn ở bên này thì ngược lại, trời càng lúc càng nóng.  Có những ngày nhiệt độ lên đến 35 độ C.  Với nhiệt độ như thế thì chẳng có một chút gì để gọi là âm hưởng của ngày Tết cả.  Thế nhưng “nhập gia tuỳ tục”, nên dù là nóng cháy da thì người Việt vẫn hào hứng đón Tết.



Người Việt ở đây đón Tết bằng hội chợ.  Nói là “hội chợ” cho oai, chứ trong thực tế thì đó là hội nhậu, hội ngưởi bụi thì đúng hơn.  Người Việt chúng ta có một “truyền thống” rất lạ: thích ăn uống.  Hễ chỗ nào có tụ tập đông người một chút là chỗ đó có ăn uống.  Ngoài bệnh viện, tại khu du lịch, thậm chí phi trường, tất cả đều là những không gian, những cơ hội để bán đồ ăn thức uống.  Cái “văn hoá” ăn uống đó kéo sang tận nơi xa xôi này.  Thành ra, trong những dịp hội chợ, tôi thấy hàng quán ăn uống nhiều hơn những quầy bán sách và văn hoá.  Uống ở đây là nhậu, chứ không hẳn chỉ là nước ngọt.  Thử tưởng tượng, trong môi trường hàng ngàn người qua lại trong một khu đất chật hẹp, mà người ta cứ vô tư “dzô”.  Cái quang cảnh đó trông rất phản cảm.  Nhưng giới chính trị gia Úc vẫn tham gia Tết ta, nhất là trong cái cảnh nhậu nhẹt như thế.  Tôi nghĩ trong thâm tâm chắc họ chẳng có mặn mà gì với Tết ta; họ đến chủ yếu là … lấy phiếu mà thôi.  Hi vọng rằng tôi nghĩ sai và oan cho họ. 



Nhưng năm nay là một biệt lệ: tôi phải đi chợ Tết.  Biệt lệ là vì cháu gái tôi tham gia vào hội chợ Tết.  Gian hàng của cháu tôi thật ra là của nhóm hướng đạo sinh Sydney.  Hôm nay (thứ Bảy, 9/2), hội chợ Tết được tổ chức ở Bankstown, một trong những khu có đông người Việt định cư.  Hội đồng thành phố địa phương phải đóng cửa vài con đường để cho cộng đồng người Việt tổ chức chợ Tết.  Nói cho công bằng, chợ Tết Bankstown năm nay có dấu ấn văn hoá hơn (chứ không có tình trạng nhậu nhẹt như trước đây).  Chợ Tết Bankstown năm nay có khoảng 30 gian hàng, phần lớn là của người Việt, nhưng cũng có gian hàng của người Úc địa phương.  Nổi nhất là sân khấu trình diễn văn nghệ, với nhạc Việt Nam và ca sĩ “cây nhà lá vườn” rất vui nhộn.  Bên cạnh đó là những gian hàng dạy gói bánh chưng, bánh tét.  Kế bên gian hàng bánh tét là những gian hàng về cây kiểng, sách Phật giáo, và nước ngọt.  Cũng có vài gian hàng bán thịt nướng, nhưng rất đàng hoàng.  Riêng gian hàng của cháu tôi (tức nhóm Hướng đạo sinh) thì đàng hoàng nhất, hiểu theo nghĩa “văn hoá” nhất.  Họ có gánh hàng hoa, có liễn chút tết, và ăn mặc theo truyền thống Việt Nam. 



Xin chia sẻ cùng các bạn một số hình ảnh tôi ghi lại qua điện thoại vào buổi trưa hôm nay:
   

Khán đài được chuẩn bị với khoảng 100 ghế ngồi cho khán giả đồng hương. Nhiều người đến đây để nghe nhạc sống.


 
Gian hàng của Hướng đạo sinh Sydney thu hút rất nhiều khách. Ai cũng trầm trồ khen.

 
Bên cạnh gian hàng Hướng đạo sinh là gian hàng cây cảnh bonsai của anh bạn tôi.  Anh ấy rất mê cây bonsai. Những cây này có giá trừ 2000 đô trở lên. Nhưng ở đây anh ấy không phải bán, mà chỉ góp vui với hội chợ thôi. 


Có cả mấy em bé mặc trang phục truyền thống, trông dễ thương. Nhưng em bé này chắc mệt quá nên ngủ trên xe, nhưng tay vẫn giữ li chè.:-)


Hai bạn này đi chào khách, họ thu hút rất nhiều khách muốn chụp hình chung.  Nhưng tôi cứ phân vân là trang phục phục họ đang mặc là Tàu chứ chẳng phải Việt. 


Đây mới là trang phục Việt. Hai cô này đang gánh gánh hàng hoa. Cô đi bên cạnh tay cầm nón lá là bạn của một học trò tôi (tên gì tôi quên rồi). Có anh nông dân đầu quấn khăn rằn tắm đang đi sau để yểm trợ. 


Và đây là cháu gái tôi. Ngày tôi đi, má nó chỉ 9 hay 10 tuổi. Ngày tôi về, nó đã 10 tuổi và rất ham ... chụp hình. Nhưng nay nó đã là thiếu nữ rồi. Hôm nay, nó đóng vai cô gánh hàng hoa.


Đó là cái Tết Quí Tị ở một khu thuộc Sydney. Nhân dịp Tết Quí Tị, tôi mến chúc các bạn hưởng một cái Tết an lành và hạnh phúc, và một năm mới nhiều may mắn và thành công.



N.V.T



PS. Mấy hôm nay trang web nguyenvantuan.net của tôi có vấn đề.  Vấn đề từ máy chủ, chứ không phải bị tấn công.  Tôi không biết tại sao và cũng chẳng biết cách sửa chữa.  Thôi thì tôi tạm dùng trang blog này để chia sẻ cùng các bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét