Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Âm nhạc của Phạm Duy làm cho người Việt gần nhau hơn

http://quannhac.net/wp-content/uploads/2011/01/pham-duy.jpgMới nhận được tin từ anh ĐH, phóng viên báo Thanh Niên, cho biết Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời vào lúc 14:30 tại phòng cấp cứu Bệnh viện 115. Ông thọ 93 tuổi. Thế là người nhạc sĩ thiên tài đã ra đi về cõi vĩnh hằng, tiếp theo những người bạn của ông như Văn Cao, Hữu Loan, Trịnh Công Sơn, Hoàng Cầm, v.v. Mới hôm nào mình chúc ông thọ 100 tuổi, thế mà bây giờ thì, nói theo chính lời nhạc của ông, nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Dù Phạm Duy đã tắt thở, nhưng âm nhạc của ông thì chưa tắt và sẽ không tắt, và do đó, ông chưa chết. Qua âm nhạc, Phạm Duy đã đóng góp một phần tích cực trong việc làm cho người Việt xích lại gần nhau hơn.


Tên người nhạc sĩ đại tài và những lời ca của ông đã đi vào tâm trí tôi từ hồi nào chẳng hay. Nhớ cách đây trên dưới 10 năm, phóng viên Trần Nguyên (lúc đó còn làm cho tạp chí Khám Phá) trong một lần phỏng vấn, hỏi tôi thích bài nhạc hay câu nhạc nào nhất, tôi nói ngay đó là bài Tình ca của Nhạc sĩ Phạm Duy, trong đó có câu Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, Tôi yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Viết ra một cách tự nhiên, không cần suy nghĩ gì cả. Thế mới biết có những câu hát đã đi vào máu xương mình hồi nào mà không hay.  

Viết về Phạm Duy và nhạc của ông thì chắc phải cần đến nhiều luận án và nhiều sách. Trong 40 năm qua đã có nhiều tác giả, Việt Nam và nước ngoài, viết về sự nghiệp và những dòng nhạc của ông. Trung tâm nhạc Thuý Nga đã thực hiện hẳn hai chương trình nhạc chủ đề Phạm Duy, cũng là một cách vinh danh người nhạc sĩ số 1 của Việt Nam. Ở trong nước cũng đã có hàng loạt chương trình văn nghệ giới thiệu những tác phẩm của ông. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều chuyên gia tiếp tục khai thác kho tàng nhạc của ông và cuộc đời đầy theo vận nước nổi trôi của ông.

Viết về Phạm Duy và nhạc của ông thì chắc phải cần đến nhiều luận án và nhiều sách. Trong 40 năm qua đã có nhiều tác giả, Việt Nam và nước ngoài, viết về sự nghiệp và những dòng nhạc của ông. Trung tâm nhạc Thuý Nga đã thực hiện hẳn hai chương trình nhạc chủ đề Phạm Duy, cũng là một cách vinh danh người nhạc sĩ số 1 của Việt Nam. Ở trong nước cũng đã có hàng loạt chương trình văn nghệ giới thiệu những tác phẩm của ông. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều chuyên gia tiếp tục khai thác kho tàng nhạc của ông và cuộc đời đầy theo vận nước nổi trôi của ông.

Riêng tôi cũng có vài kỉ niệm nhỏ với ông. Năm 1997, trong một chuyến công tác bên Mĩ, một người bạn (anh NH) rủ tôi đến thăm ông ở Midway City, nơi mà ông gọi là “Thị trấn giữa đàng”. Lúc đó ông đang soạn trường ca minh hoạ Kiều. Ông nói một cách hào hứng về tác phẩm này, và hi vọng rằng ông sẽ phổ biến ở Việt Nam. Năm 2005, ông quyết định về sống bên Việt Nam. Thực ra, ông đã có ý định về sống bên nhà rất lâu rồi, chứ không phải chờ năm 2005 mới đi đến quyết định đó. Ông vẫn cho rằng ông phải ở Việt Nam mới có cảm hứng để sáng tác nhạc Việt Nam. Mười năm sau, trong một chuyến công tác bên nhà, tình cờ nói chuyện với một anh bạn là giám đốc bệnh viện tôi mới biết Nhạc sĩ Phạm Duy đang nằm điều trị trong bệnh viện của anh! Thế là chúng tôi kéo nhau đi thăm ông. Mười năm sau mà ông vẫn còn nhớ tôi. Hôm đó, ông rất vui vẻ khi có nhiều người đến viếng thăm. Ông còn chỉ một người đến thăm nói đùa rằng bà này là người tình của tôi! Ngay hôm đó, ông cũng có một người bác sĩ cá nhân chăm sóc cho ông khi về nhà.

Có thể nói không ngoa rằng tôi lớn lên cùng những ca khúc của Phạm Duy. Tôi đã "làm quen" với ông từ thời niên thiếu. Thời đó, những lúc đi picnic, chúng tôi thường có tập nhạc bìa màu xám, trong đó có nhiều bài dân ca hay mang âm hưởng dân ca. Một trong những bài tôi thích là Ngày trở về, vì trong ca khúc có đoạn nói về một người chiến sĩ bị thương về sống đời hoà bình. Đó là tình cảnh của Ba tôi, một người đã bỏ lại một cánh tay trong thời kháng chiến. Lớn lên thì bị cuốn hút theo những Bao giờ biết tương tư, Chỉ chừng đó thôi, Phượng yêu, Hạ hồng, Này cô em Bắc kì nho nhỏ, Nghìn trùng xa cách, Con đường tình ta đi, Nha trang ngày về, Paris có gì lạ không em, Đưa em tìm động hoa vàng,Nước mắt mùa thu, Giết người trong mộng, v.v. Lớn lên và biết chuyện "thời sự", tôi đam mê những bài Nhân danh, Bi hài kịch, Đi vào quê hương, Người lính trẻ, Bà mẹ phù sa, Áo anh sứt chỉ đường tà, Kỉ vật cho em, v.v. Đến thời trung niên tôi tìm về những ca khúc trong Đạo ca, và những bài bất hủ như Tình ca, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Bà mẹ Gio Linh. Ra hải ngoại thì nghe Tị nạn ca, Hoàng Cầm ca. "Ấn tượng" nhất là bài ông phổ thơ của Nguyễn Chí Thiện, trong đó có câu từ vượn lên người mất mấy triệu năm, nhưng từ người thành vượn chỉ vài ngày (tức cảnh tù nhân cải tạo). 

Ngoài những bài mang tính thời sự, ông còn có nhiều bài tình tự quê hương mà ít người biết đến. Có bài Chiều về trên sông do Quỳnh Giao ca, tôi rất thích vì bài hát viết về cảnh sông nước miền Nam. Một bài khác cũng ít người biết là bài Tiếng hò miền Nam nhưng hình như chưa được phổ biến ở Việt Nam: Nhà Bè nước chẩy chia hai / Ai về Gia Định Đồng Nai thì về / Ai li hò lờ ! Ai li hò lờ ! / Ai nghe chăng tiếng hò bao la / Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió /  Ai nghe chăng tiếng người công phu / Biết tìm tự do tránh xa ngục tù. Nhạc của ông đủ thể loại cho mọi độ tuổi. Nhưng số lượng chẳng là gì; phải đọc những gì ông viết về nhạc và những câu chuyện đằng sau mỗi bài ca nổi tiếng mới cảm nhận cái tài của ông nhạc sĩ. Tôi có hẳn một thư viện nhạc của ông. Có thể nói không một ngày nào tôi không nghe nhạc của Phạm Duy. Không thể nào kể hết những ảnh hưởng của âm nhạc Phạm Duy đến đời sống tinh thần của cá nhân tôi. Bởi vậy, nghe tin ông qua đời tôi thấy như mình mất một điểm tựa. 

Với tôi, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ số 1 của tân nhạc Việt Nam, một thiên tài về âm nhạc. Ông sáng tác hơn 1000 bài hát, một gia tài nghệ thuật đồ sộ ít ai sánh kịp. Không chỉ số lượng, mà còn phẩm chất âm nhạc của ông đáng để người đời sau chiêm nghiệm. Không như những nhạc sĩ khác, Phạm Duy sáng tác đủ thể loại: từ tình ca, thiếu nhi ca, đạo ca, tục ca, ngục ca, Hoàng Cầm ca, Bích Khê ca, Hàn Mặc Tử ca, đến những trường khúc để đời như Con Đường Cái Quan Kiều. Hình như chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào có sức sáng tác “khủng” như ông. Cũng chưa có một nhạc sĩ nào có thể chuyển hoá hàng trăm bài thơ thành những ca khúc bất hủ. Thật vậy, có những bài thơ chẳng ai biết đến nhưng đến khi qua tay của phù thuỷ âm nhạc thì trở nên nổi tiếng và để đời, như Thuyền viễn xứ Kỉ vật cho em. Khả năng phổ thơ thành nhạc của Phạm Duy chỉ có thể nói là thần tài. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng ngưỡng mộ ông; có vài đồng nghiệp ông chẳng ưa gì ông. Những đồng nghiệp này viện dẫn việc ông dinh tê hay thời tị nạn bên Mĩ để làm lu mờ sự nghiệp âm nhạc của ông (một kiểu nguỵ biện bằng cách tấn công cá nhân và đời tư cá nhân). Nhớ có lần đọc bài của Nguyễn Lưu cáo buộc Nhạc sĩ Phạm Duy rằng bài Mùa thu chết là có hàm ý nói xấu Cách mạng tháng Tám. Đọc bài vu cáo này mà tôi cười ngất, vì cái kiểu vu khống rất bi hài và thô. Lại có một "nghệ sĩ nhân dân", một quan chức trong Hội Âm nhạc, và Nhạc sĩ Phạm Tuyên (con của cụ Phạm Quỳnh) lên báo có những nhận xét mang nhiều màu sắc chính trị. Họ so sánh dựa vào thành tích cách mạng ("Ông [tức Phạm Duy] không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng ... Ngay vấn đề đem âm nhạc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì làm thế nào mà so sánh nổi với Văn Cao hay bất cứ một nhạc sỹ nào tham gia cách mạng") nhưng trớ trêu thay chính Văn Cao, người bị đày tơi bời đến cuối đời, cũng rất nể phục Phạm Duy. Họ hỏi "Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì?" Lại có những lời phát biểu rất phù hợp với tính đố kị, như "Nhưng gần đây, báo chí lại rộ lên về những chương trình của Phạm Duy." Nhưng công chúng, chứ không phải những quan chức văn nghệ, mới là người phán xét tốt nhất, và chúng ta đã thấy công chúng Việt Nam đối xử với Phạm Duy như thế nào. Một trăm năm sau có ai còn nhớ đến tác phẩm tuyên truyền của các vị quan văn nghệ trên, nhưng chắc chắn người ta sẽ không ngừng ca những bài của Phạm Duy (và của Văn Cao và Trịnh Công Sơn). 

Nhưng cái tài và âm nhạc của Phạm Duy còn cảm hoá cả những người không hẳn cùng chính kiến với ông. Cách đây vài năm, trong một lần nói chuyện với một giáo sư y khoa ở Hà Nội, người từng là đồng chí của ông trong thời kháng chiến nhưng không hài lòng về việc Phạm Duy “dinh tê”, vị giáo sư này đưa ra một nhận xét đơn giản: đó là một thiên tài. Vị giáo sư đó còn nói thêm rằng âm nhạc của Phạm Duy là một tài sản của văn hoá Việt Nam. Những người không hâm mộ cá nhân Phạm Duy cũng vẫn công nhận ông là một nhạc sĩ thuộc hạng số 1, và đã có những đóng góp mang tính thiết lập nền tảng cho tân nhạc Việt Nam. 

Tôi nghĩ vị giáo sư trên nói không quá đáng chút nào. Nhạc Phạm Duy đi cùng năm tháng với vận nước. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA, ông nói rằng “Tôi đưa ra một câu nói thôi: ‘Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’ đất nước bơ vơ, nó rối bù đi thì tôi phải khóc thôi. Lúc nào mà đoàn kết thì tôi cười theo. Khóc cười theo mệnh nước. Cái xã hội mình nó rối tung lên như vậy thì làm sao mà mình …. thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề là … Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi thì tôi thấy cho đến giờ phút này thì tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu mà tôi có chết đi thì tôi hãy còn gần như là tôi không được thỏa mãn.” Bởi thế, trong những năm cuối đời, ông hay quan tâm đến vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc, bởi ông từng nói rằng đất nước đã thống nhất nhưng lòng người thì chưa. 

Chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc cũng là vấn đề thời sự hiện nay. Theo ông, âm nhạc là một phương tiện để làm cho người Việt xích lại gần nhau sau thời chiến, và ông đã thể hiện điều đó. Thế nhưng trớ trêu thay sau 1975 thì nhạc của ông bị cấm đoán, thậm chí nhiều sách nhạc còn bị đem đi đốt. Mãi đến nay, dù ông đã về quê và tham gia biểu diễn nghệ thuật trong nước, mà số tác phẩm của ông được bổ biến một cách nhỏ giọt. Có một bài mà tôi nghĩ rất đáng làm ca khúc của dân tộc, đó là bài Việt Nam – Việt Nam với những lời ca kiêu hùng nhưng cũng dễ làm người Việt xúc động:

Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôi

Việt Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xanh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời

Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời

Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam Việt Nam
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam Việt Nam muôn đời 

 
Bất cứ người Việt có chính kiến gì hay ở chiến tuyến nào cũng có thể xích lại gần nhau hơn khi cất tiếng ca lên bài hát đó. Khi được Mặc Lâm của RFA hỏi về bài này, ông giải thích: “Anh nhớ lại từng chữ từng câu trong bài ‘Việt Nam! Việt Nam!’. Tại sao đầu đề lại hai chữ ‘Việt Nam! Việt Nam!’? Bởi vì nước Việt Nam mình bị chia làm hai, thành hai thứ ‘Việt Nam – Việt Nam’. Bây giờ chỉ có một Việt Nam thôi thì tốt hơn. Trong khi đó tôi xưng tụng một nước Việt Nam như vậy, trong đó thì ‘tình yêu đây là khí giới’ mà, hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau, vẫn chưa bắt tay nhau. Thành thử vấn đề là lòng người chưa thống nhất mà đất nước thống nhất rồi.” 

Phạm Duy cũng quan tâm đến vai trò của nghệ thuật và tôn giáo trong quá trình hoà giải dân tộc. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Thuý Nga Paris by Night, ông phát biểu rằng chỉ có tôn giáo và nghệ thuật mới cứu vãn dân tộc ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Nói như anh bạn tôi, Hoàng Nguyên Nhuận, rằng “Tôn giáo và nghệ thuật không cướp chính quyền lịch sử. Tôn giáo và nghệ thuật chỉ hóa giải những cuồng vọng lịch sử, tạo những nhịp cầu chuyển hoá cho hận thù thành yêu thương, ngộ nhận thành thông cảm, tác hại thành xây dựng, xa cách thành cận kề. […] Nhưng tôn giáo cũng có thể là cái thắng của lịch sử, cũng như nghệ thuật vẫn có thể là yếu tố thức tỉnh những mê mờ cuồng vọng của ý thức hệ bất cứ màu sắc nào. Phải chăng với ý nghĩa đó mà Phạm Duy đã nghĩ rằng tôn giáo và nghệ thuật phải giữ vai trò tích cực trong việc tái dựng quê hương đổ nát cùng quẩn?” Những ca khúc tự tình dân tộc, ngợi ca quê hương, Đạo ca của Phạm Duy đã thật sự giúp người Việt Nam gần nhau hơn, và đó cũng chính là một cách hoà giải hoà hợp dân tộc.  

Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa đã làm cho cuộc sống của tôi (và nhiều triệu người Việt Nam) phong phú hơn. Xin có lời thành thật chia buồn cùng gia đình của Nhạc sĩ. 

N.V.T


Nhạc sĩ Phạm Duy thời tham gia kháng chiến

http://a388.idata.over-blog.com/500x398/2/94/63/23/Annee2010/Mars2010/HuuLoan/PDuy1.jpg
Nhạc sĩ Phạm Duy và Nhà thơ Hữu Loan (Phạm Duy phổ bài thơ Màu tím hoa sim thành bài nhạc Áo anh sứt chỉ đường tà bất hủ).
http://phapluattp.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/05/07/9-chot.jpg
Nhạc sĩ Phạm Duy và Nhà thơ Hoàng Cầm (hai người là bạn thân thời kháng chiến). Phạm Duy từng nói ông học lòng yêu nước từ Hoàng Cầm. Phạm Duy phổ 10 bài thơ của Hoàng Cầm, trong đó có bài Tình cầm mà tôi rất thích.  Bài Tình cầm có những câu tôi nằm lòng (khi nghe Duy Quang ca lần đầu): Nếu anh còn trẻ như năm cũ / Quyết đón em về sống với anh /  Những khi chiều vàng phơ phất đến / Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Nhạc sĩ Phạm Duy trên giường bệnh những ngày cuối đời (nguồn: phamhongphuoc.net)


Sau đây là vài bài viết về Phạm Duy do tôi tuyển chọn trong ngày 28/1/2013:

Đây là bài viết của anh bạn tôi (Dr Nikonian). Anh gọi Phạm Duy là người-hoạ-hình-đất-nước. Hay!

http://www.drnikonian.com/2013/01/nguoi-hoa-hinh-dat-nuoc/
 
Người họa hình đất nước

Nhìn dưới góc độ âm nhạc, cuộc di dân của hơn 1 triệu đồng bào người Bắc vào Nam năm 1954 quả là vĩ đại và đầy cứu rỗi. Nhất là khi thương xót nhìn lại sự khốn cùng, nhàu nát của những cây đại thụ như Văn Cao, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Lê Đạt,…

Trong bối cảnh khắc nghiệt và lạnh lẽo thời ấy, những đấng bậc tài hoa đó đã chẳng thể nào phát tiết được toàn bộ tinh anh như đồng bạn may mắn của họ đã vào được miền Nam nắng ấm. Ít nhất, cuộc di dân năm 1954 đã mang lại con đường sống và sáng tạo cho rất nhiều bậc kỳ tài miền Bắc, trong đó có Phạm Duy, người vừa tạ thế hôm nay.

Khác với loại âm nhạc khiên cưỡng, đến với người nghe bằng áp đặt hay tuyên truyền, tình yêu đối với âm nhạc của Phạm Duy là tự nguyện, nhưng không và bất cần mọi ý luận cao xa nào về nhạc thuật. Như với tôi, một chú nhỏ hồi đó đã cùng hát “Việt Nam kêu gọi thương nhau, Việt Nam đi xây đắp tương lai dài lâu” trong những buổi sinh hoạt Hướng Đạo, trong những ngày đi cứu trợ nạn nhân chiến cuộc… Hành khúc đẹp đẽ và bi tráng ấy, không có máu lệ của chiến tranh, không có chỗ cho lòng căm thù hay cổ súy nồi da xáo thịt. Và nghe đâu, đã có dự tính được làm quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa thay cho “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước.

Lựa chọn ấy, 10.000 năm sau vẫn đúng, tôi tin là thế!

Âm nhạc ấy, cũng đến với tuổi thơ của tôi một cách nhẹ nhõm, không cần ai giải thích, lý luận, tuyên truyền. Âm nhạc của Phạm Duy, cũng sống cái đời sống của gia đình tôi hồi đó.. Khi cha mẹ tôi thỉnh thoảng lại ngân nga: “quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn…” Ca khúc này, hình như là nhạc hiệu của chương trình “Người cày có ruộng” trên radio thời đó. Cũng như “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, đã từng là nhạc hiệu của Đài Phát thanh Sài gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa lúc ấy.

Ký ức tôi, đã thấm đẫm những giai điệu thiết tha đó từ chiếc radio cũ kỹ của gia đình. Âm nhạc ấy, đã là một phần đời sống của gia đình tôi, cũng như với rất nhiều gia đình miền Nam khác. Từ âm nhạc ấy, từ những lời ru của mẹ tôi “từ lúc nằm nôi”, tôi biết yêu nước Việt chỉ bằng trái tim con trẻ, và phi bè phái.
Bao nhiêu năm bị cấm đoán, phải chui rúc trùm mền áp tai vào radio để nghe lén mỗi đêm, âm nhạc ấy không chết. Ít nhất, nó vẫn còn sống mãi trong tôi trong một chiều dừng chân ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Tôi đã đi, đã đến vùng trung du ấy, và đã nghe lại “Nương chiều” của ông:

“Chiều ơi, chiều về rợp bóng nương khoai
Trâu bò về dục mõ xa xôi
Chiều ơi Chiều ơi
Áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sương núi chơi vơi,
ơi chiều”…

Và đã chảy nước mắt vì thương xót quê hương nghèo khó của mình vô hạn!

Chỉ phút chốc thôi, mà cả ký ức tuổi thơ hiện về…

Với rất nhiều người Sài Gòn, âm nhạc Phạm Duy là nỗi nostalgia hay hoài niệm về một quá khứ rất đẹp đã mất. Có kẻ đang yêu nào thời ấy mà đã không từng một lần lẩm bẩm một ca khúc thời danh về một “con đường Duy Tân, cây dài bóng mát”, thương nhớ quay quắt những “chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó; Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt”

Nhiều lắm những tình ca của Phạm Duy, viết trong bối cảnh của Sài Gòn hoa mộng thuở ấy, đã nằm sâu trong ký ức máu thịt của rất nhiều người Sài Gòn, trong đó có tôi.

Tưởng rằng đã quên, nhưng khi tóc đã hoa râm, kẻ chơi piano tài tử rất đỗi vụng về, khi ngồi lên đàn khẽ bấm những giai điệu ấy mới thấy hết sự trác tuyệt của nó. Nó là hòa âm cực kỳ sang trọng, tiết tấu tao nhã và đầy chất hàn lâm của âm nhạc cổ điển. Nó là sự sáng tạo vô đối các điệu thức ngũ cung hay các giai điệu đong đưa của đồng bào Tây nguyên. Người ta có thể không thấy, không hiểu điều đó khi ê a “phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi không xa, trời thấp thật gần…”, vì nó đã tự nhiên, nhẹ nhõm như mọi tình ca của mọi thời đại. Nhưng khi “thấy” nó một cách hình học trên bàn phím piano, biến tấu đầy sáng tạo từ các điệu thức dân gian đó mới hiện rõ, long lanh hết vẻ đẹp vô song của nó…

Người Kinh, hay người Thượng, đã yêu mến và nhìn nhận những giai điệu ấy. Vì ai cũng thấy mình trong đó!

Thật bất lực khi viết về một di sản âm nhạc lớn lao kinh khủng như vậy. Tôi đồ rằng, âm nhạc đó, xứng đáng với một khoa học mới, khoa Phạm Duy học. Khoa học này, là một mỏ vàng cho vô số luận án tiến sĩ âm nhạc để nghiên cứu về ca từ, nhạc thuật, hòa âm…

Âm nhạc ấy đã sống mãi với người nghe của nó mà không cần bất cứ thứ license thô thiển nào. Thật lạ lùng khi thấy những kẻ hậu sinh bất tài, lâu lâu lại quăng ra dăm quyết định cho phép ca khúc này, ca khúc nọ của Phạm Duy. Như thể không có giấy phép ấy, thì kẻ hậu sinh là tôi không thể, không được phép yêu mến âm nhạc ấy. Như thể nếu không được phép, thì âm nhạc ấy không hay, không đưa được dân tộc tính trong âm nhạc đến hai thái cực là tính đại chúng và tầm nhân loại.

Âm nhạc nào dung hòa được hai điều tưởng như xa nhưng rất gần gũi ấy, âm nhạc ấy xứng đáng được gọi là một mặc khải vĩ đại (mượn từ của Beethoven). Vì âm nhạc ấy mang khuôn mặt Con Người, bất kể không gian, thời gian, nơi chốn. Như “The rain on the leaf” (Giọt mưa trên lá) đã từng vang lên bằng Anh ngữ trong campus Đại học Mỹ. Như “Việt Nam, Việt Nam” đã bật ra từ lồng ngực của những người Sài Gòn trong những ngày biểu tình chống Trung Quốc.

Nhưng dẫu sao, “giấy phép” cũng cần! Nó là cơ hội để những kẻ bất tài đầy mặc cảm chứng tỏ sự bao dung và thái độ bề trên của mình, như cách ông “Nghệ sĩ nhân dân” Trọng Bằng mắng mỏ:

“Bàn đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả. Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiển rất tốt, bây giờ Cục biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi. Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta. Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc…”.

Mà thôi, hôm nay Con Người ra đi, âm nhạc thì ở lại!


Hậu thế sẽ gọi Phạm Duy, người vừa nằm xuống hôm nay, là ai?

Tác giả của những ca khúc đầy tình tự quê hương

Người đưa ngũ cung và dân nhạc vào tình ca.

Kẻ đã viết những dòng nhạt nhẽo, tục tằn… bậc nhất thiên hạ.

Người có đời sống phóng túng, cũng vào bậc nhất thiên hạ.
….
Tôi gọi Ông là: Người-Họa-Hình-Đất-Nước!

Vì cái lòng thương yêu đất nước trong tôi, phần nhiều đã được nuôi dưỡng từ những bức tranh thủy mặc bằng âm nhạc ấy!


Bài dưới đây phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy vào những ngày cuối đời. Hoá ra, ông cũng có cùng ý với tôi: ông không chết!  
 
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/107165/-ca-si-con-hat-nhac-cua-toi-nghia-la-toi-con-song-.html

"Ca sĩ còn hát nhạc của tôi nghĩa là tôi còn sống"

Nhạc sĩ Phạm Duy, người vừa đi về miền miên viễn, từng chia sẻ như vậy với VietNamNet nhân dịp chương trình “Điều còn mãi 2012” của báo trình diễn nhạc phẩm “Tình ca” của ông vào đúng ngày Quốc khánh.

Vào thời điểm ấy, sức khỏe ông đã xuống rất nhanh, khiến ông phải ngồi xe lăn, ăn uống khó khăn. Ông gần như thức trắng đêm và chỉ ngủ được vài tiếng vào ban ngày. Ngày bình thường của ông trôi qua trong căn nhà im vắng ở lưng chừng một con hẻm đường Lê Đại Hành. Căn nhà ấy thường chỉ đông vui vào cuối tuần khi con cháu, dâu rể về thăm hỏi, ăn uống.
Ấy vậy mà, khi thần sắc đã trở nên mệt mỏi vì tuổi già, ông vẫn miệt mài sáng tác, và khoe với người viết ông vừa hoàn thành 10 ca khúc phổ thơ của thi sĩ Bích Khê. “Nếu được theo đúng thuyết nhà Phật, người ta ăn ở đức độ thì sẽ được tái sinh. Và nếu có sự tái sinh thì tôi sẽ không thích tái sinh nữa đâu. Bởi vì mệt quá rồi. Các nhạc sĩ ở đây sướng lắm, không ai mệt như tôi cả, không ai đi nhiều, hát nhiều và sáng tác nhiều như tôi cả. Khổ tâm lắm”, ông nói với phóng viên VietNamNet.
Thưa ông, vậy hẳn là ông đã viết di chúc. Cháu xin mạn phép được tò mò, điều gì làm ông tâm tư nhất trong bản di chúc ạ?
Sự thực thì càng nhiều con bao nhiêu, người ta càng lo bấy nhiêu. Sự nghiệp của tôi để lại cũng nhiều. Tôi không chia cho ai cả. Tôi giao cho người con thứ hai của tôi, là đứa có hiếu nhất. Nó có bổn phận là chia cho các anh em. Như vậy thì đỡ rắc rối.
Vậy còn đám tang, ông có tâm nguyện gì về đám tang của mình?
Tôi sợ nhất là vấn đề đó. Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm. Tôi muốn đốt cùng với xác mẹ. Cùng lắm đưa đi một cái chùa nào đó, (trong) một hai bình tro gì đó. Kinh nghiệm như nhà lưu niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đến thì thấy vắng tanh như chùa bà đanh. Ca sĩ còn hát nhạc của tôi, nghĩa là tôi còn sống.
Ở tuổi xưa nay hiếm thế này, ông có còn cảm thấy mình mắc nợ gì với cuộc đời không?
Nợ thì nhiều. Tôi tự thấy mình đã sống bừa bãi. Cách nay 10 năm thì tôi ổn định một tí. Còn trước kia tôi liều lắm, tôi làm những chuyện mà người ta không dám làm. Tôi lao vào những trò chơi làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình. Tôi hối hận lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi mong người ta đừng nghĩ nhiều về những hành động đó, mà nhìn vào những bản nhạc của tôi. Còn nói về người ngoan thì tôi không phải là người ngoan.
Cuộc đời đưa ông dường như luôn đứng trước những sự kiện phải chọn lựa giằng xé giữa hai thái cực, vậy có khi nào ông phải trả giá?
Trả giá ghê lắm chứ, nếu tôi đừng bỏ nước ra đi thì chắc tôi vẫn còn 3 căn nhà trị giá 3 triệu USD. Còn 8 đứa con như vậy, gọi là để lại một gia tài thực sự thì ít nhất cũng phải 3 cái nhà chứ. Đó là một cái nhỏ thôi đấy. Còn những cái khác nữa. Trường hợp yêu người này mà không yêu người nọ cũng là một vấn đề nữa. Rắc rối lắm (cười).
Và hôm nay, sau nhiều năm ở hải ngoại, ông đã trở về và đã an nghỉ trên đất mẹ, khép lại trăm năm nhỏ bé và bộn bề như lời ông đã viết trong “Hẹn em năm 2000”. Ông nói ông không phải là người theo lý tưởng sống để mà đi. Thế nên, những năm xứ người là những năm ông đau đáu ngày về. “Tôi là người Việt Nam thì tôi phải sống chết với nước Việt Nam chứ. Khi qua hải ngoại được vài năm, tôi đã viết bài “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”. Nhưng lúc đó tôi không thể về nhà được ngay, đợi đến ba mươi mấy năm thì mới về được. Cả một đời người rồi còn gì”, ông nói.
Minh Chánh

Một bài viết về mẹ qua âm nhạc Phạm Duy. 
 
http://sgtt.vn/Van-hoa/174727/Me-trong-tam-thuc-Viet-a-href=httphttpsgttvnVan-hoa174684Nhac-si-Pham-Duy-qua-doihtmlaa-href=httphttpsgttvnVan-hoa174684Nhac-si-Pham-Duy-qua-doihtmlbr-a.html
Mẹ trong tâm thức Việt

SGTT Xuân - Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy diệu vợi, bởi luôn ẩn chứa hình bóng của những người phụ nữ. Thế nhưng, không chỉ là yêu đương, những câu chuyện về Mẹ luôn là một trong những đỉnh cao âm nhạc của ông.

Mẹ của Phạm Duy có muôn mặt, muôn trạng thái. Nhưng luôn có chung một điều khắc khoải, đó là chờ đợi và lặng lẽ.
Mỗi một nhạc sĩ luôn có cho mình một vài hình ảnh xuất sắc của mẹ. Y Vân có Lòng mẹ, Trịnh Công Sơn có Người mẹ Ô Lý, Nhị Hà có Mẹ tôi… Nhưng với Phạm Duy, mẹ là một câu chuyện kể dọc theo đường đất nước. Mẹ có thể rất trẻ hoặc đã già nua, có thể là một biểu tượng sáng loà hay là điều bí mật mang theo suốt cả đời người. Là điều nhỏ nhất và cũng có thể là cả tổ quốc. Mẹ như cỏ dại và như đất trời. Là Đức Maria, Quán Thế Âm, và là bất kỳ người đàn bà vô danh nào đó trên cõi Việt.
Nghe những giai điệu về mẹ của Phạm Duy, có lúc mà đau quặn lòng. Những bài hát về mẹ của ông có một quyền năng kỳ lạ đánh thức tim người, nhắc khẽ tâm thức Việt Nam, thân phận Việt Nam.
Mẹ trong âm nhạc của Phạm Duy khác thường. Với nhiều nhạc sĩ khác, âm nhạc có mẹ là tạo hình để thương cảm, để chia sẻ. Còn khi đến mẹ của Phạm Duy, người nghe tự thấy mình nhỏ bé, tự thấy mình còn phải mang một niềm ơn.
Và với Phạm Duy, hàng loạt những ca khúc lừng danh về mẹ vẫn chưa đủ trong sự vinh danh mà ông mong muốn. Phạm Duy cũng là nhạc sĩ duy nhất có tập trường ca về mẹ, với 22 chương, hơn 2.000 ca từ. Trường ca Mẹ Việt Nam được coi như một tuyệt tác, tạm tổng kết mọi giá trị mà ông muốn diễn đạt về hình ảnh của mẹ Việt.
Nói về trường ca Mẹ Việt Nam, hay là nói về hình ảnh người mẹ (1992), nhà văn Đặng Tiến viết rằng: "Đó là tổng hợp tất cả tình cảm của Phạm Duy đối với quê hương và những trầm luân của mệnh nước nổi trôi qua hình ảnh người mẹ, đồng thời cũng diễn tả trọn vẹn ơn sâu nghĩa nặng của cuộc đời đối với chúng ta. Gọi là mẹ Việt Nam vì một cách nói, chứ mẹ là nguồn vốn không có quốc tịch. Mẹ là sông – ta có chữ "sông cái" là sông mẹ – mẹ là Biển Hồ lai láng, mẹ là trùng dương.
Nghe lại Mẹ Việt Nam, trở lại mẹ hiền, là về lại yêu thương, về lại cội nguồn, về lại bản thân".
Còn với nhà phê bình âm nhạc người Canada – Georges Etienne Gauthier thì "Mẹ Việt Nam vẫn là bản liên hợp đẹp đẽ và lớn lao nhất của Phạm Duy từ trước đến nay. Hiếm khi trong tác phẩm của ông mà kỹ thuật và xúc cảm, lý trí và tình cảm lại hoà hợp trong một vẻ vĩ đại và toàn hảo vững vàng được như trong bản Mẹ Việt Nam" (bài nhận định viết năm 1972).
Nói về mẹ, để thấy riêng chủ đề này, Phạm Duy đã hoàn thành cả một công trình, gom góp mọi cảm giác trên cuộc đời mà ông đi qua để giữ lại cho hậu thế.
Phạm Duy vượt lên vai trò của một nghệ sĩ bình thường khi ông ngẩn ngơ và dự báo những điều sẽ tới. Có thể đó là một nỗi buồn của thế kỷ mai sau:
"Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới
Việt Nam là gì, giảng nghĩa cho coi
Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay
Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ hai mươi..."
Phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài mỗi ngày một nhiều hơn, những người Việt phải xa xứ và phôi pha dần những điều quen thuộc của giống nòi. Trong căn phòng nhỏ, có một người nhạc sĩ già cặm cụi viết lời hát của mình vào không trung với nỗi niềm tuyệt vọng. Nhưng đâu đó, ông vẫn gieo hy vọng:
"Nhờ trong quá khứ, có mẹ lên ngôi
Thắm thiết tình người, gửi tới nhân loại..."
Mẹ đang đi vào cuộc đời đang tới
Mẹ đang đi vào thế kỷ ngày mai"
(Mẹ năm 2000)
Năm 2006, trong một lần trò chuyện, nhạc sĩ Lê Hựu Hà nói rằng dù là sống với dòng nhạc trẻ, nhưng ông vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cảm từ và tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy. "Nghe nhạc Phạm Duy, mình thấy thương người Việt hơn, thương nước Việt hơn", Lê Hựu Hà nói.
Nhưng không phải ai cũng có thể hát được Phạm Duy với một tâm thức Việt, ngay cả với ca sĩ chuyên nghiệp cũng vậy. Ca sĩ Thái Thanh nói bà sợ phải trình bày ca khúc Bà mẹ Gio Linh, vì lần nào hát bà cũng khóc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI vào năm 2001, Phạm Duy nói rằng ông nằm trằn trọc trên chiếc giường tre ở chiến khu và viết một mạch bài hát này. Ông kể rằng khi viết xong, đọc lại, ông đã khóc: "Viết xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít".
Nghe những giai điệu về Mẹ của Phạm Duy, có lúc mà đau quặn lòng. Những bài hát về Mẹ của ông có một quyền năng kỳ lạ đánh thức tim người, nhắc khẽ tâm thức Việt Nam, thân phận Việt Nam.
Bài hát Bà mẹ Gio Linh hay Giọt mưa trên lá, với những hình ảnh được kể lại đều đặn, như những nhịp đóng vào trái tim, khiến ai mang một tâm thức Việt đều cảm thấy nhói đau và lặng người. Cái tài của Phạm Duy không chỉ là âm nhạc, ông vẽ lại lịch sử những bà mẹ Việt Nam, như đã nói, là sự khắc khoải, lặng lẽ và chờ đợi.
Quả có một cái gì đó là sự chờ đợi ở hình ảnh những bà mẹ Việt Nam trong âm nhạc Phạm Duy. Nhưng chờ đợi điều gì thì không rõ nét, vô vọng lẫn hy vọng... và đó luôn là điểm xoáy vào trái tim của người nghe, thổn thức đến tận cùng.
Mẹ đi đâu, bao nhiêu năm nữa, tâm tính mẹ Việt vẫn là vậy, là chắt chiu và chờ đợi, lặng lẽ. Ngay từ ngày đầu mà ông đã nhìn thấy: "Bà mẹ quê, ngày tháng không mơ ước gì, nhỏ giọt mồ hôi vì đời trẻ vui..." (Bà mẹ quê).
Và ngay trong mùa xuân, mọi vật ngơi nghỉ, mẹ vẫn chắt chiu trong cõi riêng đời mình, mơ đến những điều bình thường mà vĩ đại: "Trời không mưa gió, mẹ bế con thơ, con bú say sưa..." (Xuân thì).
Trong nhạc tập của người Việt, âm nhạc của Phạm Duy như những điều đơn giản, dễ dàng đi nhẹ vào lòng người, nhưng thấm sâu hơn cả những bài luân lý ngày thường. Để kết, xin được mượn lời nhà văn Đặng Tiến, rằng: "Vài ba câu hát ấy đã vận dụng, chuyển hoá không biết bao nhiêu là cổ tích, ca dao, văn thơ cổ điển, phong tục tập quán Việt Nam. Nhạc Phạm Duy gây chấn động trong ta và sau đó còn lưu lại nhiều tiếng ngân dài như những "giọt mưa trên lá’’ làm sống lại những chồi dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong ta. Càng xa nước, ta lại cần nguồn, cần nghĩa mẹ, như nước trong nguồn chảy ra. Mát ngọt, trong trẻo và vô tận".
TUẤN KHANH

Bài của Trần Mạnh Hảo, có nhiều tư liệu đáng để biết.
http://danluan.org/tin-tuc/20130107/pham-duy-con-do-noi-buon

Phạm Duy còn đó nỗi buồn

Trần Mạnh Hảo

Phạm Duy “còn đó…muôn đời”

“Thơ hay có thể bị vua bắt
Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà”

(Trích bài thơ “LÝ BẠCH” của Trần Mạnh Hảo)
Chúng tôi (TMH) xin mượn tên cuốn sách: “Phạm Duy” còn đó nỗi buồn” của họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ làm tiêu đề cho bài viết về nhạc sĩ Phạm Duy của mình.

Phạm Duy - (từng là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam, từng là giáo sư dạy trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, một nhà nghiên cứu âm nhạc xuất sắc, một nhà văn, nhà báo có phong cách riêng khi viết báo, viết hồi ký) - kể từ bài hát đầu tiên phổ thơ Nguyễn Bính, bài “Cô hái mơ” viết năm 1942 đến nay, đã có hàng mấy trăm bài hát (có người còn cho ông đã viết đến con số trên dưới 1000 bài?) làm xúc động lòng người Việt Nam suốt hơn 70 năm nay. Phạm Duy không chỉ là một hiện tượng âm nhạc vắt qua hai thế kỷ; hơn nữa, ông còn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng lịch sử, cần phải có nhiều nhà Phạm Duy học mai sau nghiên cứu về ông.
Thuở nhỏ, thời kháng chiến chống Pháp, kẻ viết bài này từng nghe bà mẹ mình - một người hát thánh ca trong ban Ca vịnh nhà thờ - từng dùng nhạc Phạm Duy ru con. Những lời ca, giai điệu Phạm Duy đã thấm vào hồn tôi từ thơ bé qua tiếng hát ru của mẹ như bài “Nương chiều”:
“Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều…Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi với, ới chiều…”
Bài “Nhạc tuổi xanh”:
“Rừng ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày…Diệt xong quân Pháp kia cười vang ta hát câu tự do…”
Thỉnh thoảng, khi buồn vui, mẹ tôi lại khe khẽ hát mấy bài Phạm Duy viết trong kháng chiến chống Pháp, ví như : “Cây đàn bỏ quên”, “Khối tình Trương Chi”, “Bên cầu biên giới”, “Tiếng đàn tôi”, “ Mười hai lời ru”…
Những bài hát của Phạm Duy, của Văn Cao (trước 1945) của mẹ tôi được chép trên giấy học trò; có khi là những bản chép nguyên cả khuôn nhạc in bột trên giấy bản nhầu nát; có khi, bố tôi (một người hát nhạc nhà thờ trong ban Ca vịnh biết chơi đàn và biết xướng âm bản nhạc) phải dùng hộp bao diêm làm dụng cụ kẻ nhạc, đặng chép lại bản nhạc cho rõ ràng giúp mẹ tôi…
Cải cách ruộng đất, gia đình tôi bị quy lên địa chủ, các bản nhạc chép tay kia của Phạm Duy, Văn Cao… đều bị mất. Nhưng mẹ tôi thi thoảng buồn, lại ngồi một mình khe khẽ hát nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Đỗ Nhuận... Những bản nhạc tuyệt vời của Phạm Duy, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Yên, Văn Chung, Doãn Mẫn, Canh Thân, Đoàn Chuẩn, Việt Lang, Hoàng Qúy, Tô Vũ, Hoàng Giác…bị quy là nhạc vàng, nhạc phản động, đồi trụy, bị cấm.
Tôi thường sang nhà người bà con hàng xóm, cùng với ông em họ (lớn tuổi hơn tôi) tên là chú Bá, ghé tai vào cái radio hiệu Siêng Mao nghe đài Sài Gòn phát nhạc vàng thời tiền chiến, mặt lấm la lấm lét như hai tên ăn trộm…Một hôm chú Bá vừa đi đường vừa nghêu ngao bài “Nhớ Chiến khu” của Đỗ Nhuận (thực ra bài này chính là bài nhạc cách mạng, nhưng âm giai buồn buồn da diết giọng nhạc vàng của “Suối mơ”, “Bến Xuân”…) nên Bá bị công an xã bắt, quy lên hát nhạc vàng của bọn Mỹ Diệm phát ra từ cái radio phản động…Chiếc radio Siêng Mao của Bá bị công an xã tịch thu…
Từ đó, suốt tuổi thơ, tôi không còn được nghe những giai điệu tiền chiến bất hủ kia nữa. Cho mãi tới sau này, khi ở trong rừng miền Nam, trở thành một nhà báo và mua được cái radio bé tí, tôi lại tiếp tục được nghe (lén) nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Cung Tiến…dưới hầm hào bom đạn…
Ngày 30/4/1975, từ rừng Lộc Ninh về Sài Gòn, chưa kịp hoàn hồn, tôi đã bị Sài Gòn đánh chiếm bằng văn hóa, bằng văn học, bằng sách vở, âm nhạc. Phạm Duy và Trịnh Công Sơn đã tái chiếm tâm hồn tôi; và hình như tôi, đã tự nguyện quy hàng thứ âm nhạc, thứ văn học, văn hóa mà chế độ mới đang kết án, cho là văn hóa phản động, đồi trụy. Các loại sách dịch gần như vô tận của Sài Gòn còn sót lại sau đại họa đốt sách của chế độ mới đã xâm lược đầu óc tôi, giải phóng tôi thoát khỏi ngục tù của dốt nát, của u mê, của cuồng tín ngớ ngẩn một thời, “bắt” tôi vào trường tự nguyện “học tập cải tạo” đến giờ chưa chịu thả ra…
May mắn thay, đầu tháng 5/1975, anh Trịnh Công Sơn đã cho tôi và Trần Nhật Thu mượn cái máy nghe nhạc cũ kỹ mà anh không còn dùng tới. Suốt mấy tháng trời, các kiệt tác âm nhạc của bên thua trận như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, các bài hát tuyệt vời của Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Phạm Thế Mỹ, Tuấn Khanh, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Y Vân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Trần Trịnh, Phạm Mạnh Cương, Trường Sa, Anh Bằng, Khánh Băng, Nguyễn Ánh 9, Nguyễn Trung Cang, Lê Trọng Nguyễn, Hoàng Nguyên, Văn Giảng, Đan Thọ, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Đức Quang…qua tiếng hát của các danh ca : Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Lan, Duy Trác, Sĩ Phú, Anh Khoa, Elvis Phương… đã bắt sống tâm hồn tôi làm tù binh, cùng với thơ Nguyên Sa, thơ Nhã Ca, văn Võ Phiến, Mai Thảo, Phan Nhật Nam, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam…nhốt thế giới tinh thần tôi vào trang sách, vào khuôn nhạc khóa sol năm dòng kẻ của họ và “lưu đày” tâm hồn tôi lại mãi với những bài ca đích thực con người…
Tôi yêu các nhạc sĩ có một bài hát bất hủ để đời, ví như: “Xuân và tuổi trẻ” (La Hối phổ thơ Thế Lữ), “Cô láng giềng” của Hoàng Qúy, “Em đến thăm anh một chiều mưa” của Tô Vũ, “Biệt ly” của Doãn Mẫn, “Giáo đường im bóng” của Nguyễn Thiện Tơ, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn, “Ai lên xứ hoa đào” của Hoàng Nguyên, “Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Hoàng, “Chiều tím” của Đan Thọ, “Ai về sông Tương” của Văn Giảng, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương, “Sang ngang” của Đỗ Lễ, “Thương nhau ngày mưa” của Nguyễn Trung Cang, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Tôi đưa em sang sông” của Nhật Ngân và Y Vũ…
Huống hồ, với thiên tài Phạm Duy đã có hàng mấy chục bài hát bất hủ để đời, trong đó có đến vài chục bài thuộc hàng kiệt tác, thì tôi càng kính phục ông hơn, yêu mến ông biết là chừng nào. Chính vì vậy, ngay từ khi chưa biết chữ, nghe mẹ tôi hát nhạc Phạm Duy, đôi tai tôi đã bị ông này lấy mất, để rồi ông thả tâm hồn tôi suốt hơn sáu mươi năm nay lang thang cùng nỗi “khóc cười theo vận nước nổi trôi” của Phạm tiên sinh.
Chúng tôi xin phép kể ra các ca khúc tuyệt vời và rất hay của nhạc sĩ Phạm Duy mà cá nhân tôi yêu thích, đã góp phần làm thay đổi cuộc đời tôi:
“Nương chiều”, “Tình ca”, "Nhạc tuổi xanh", “Bên cầu biên giới”, “Ngậm ngùi”, “Áo anh sứt chỉ đường tà”, Ngày trở về, Mùa thu chết, Thuyền viễn xứ, Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Bà mẹ quê, Cây đàn bỏ quên, Nghìn trùng xa cách, Việt nam Việt nam, Bên ni bên nớ, Còn chút gì để nhớ, Nha trang ngày về, Đưa em tìm động hoa vàng, Kỷ niệm, Ngày xưa Hoàng thị, Giọt mưa trên lá, Tình hoài hương, Tiếng đàn tôi, Đố ai, Tiếng sáo thiên thai, Nụ tầm xuân, Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, Cành hoa trắng, Cô gái Bắc kỳ nho nhỏ, Thương tình ca, Thà như giọt mưa, Cỏ hồng, Người về, Đường em đi, Chuyện tình buồn, Nhớ người thương binh, Con đường tình ta đi, Ông trăng xuống chơi, Chiến sĩ vô danh, Tuổi ngọc, Phượng yêu, Còn gì nữa đâu, Thương ai nhớ ai, Gọi em là đóa hoa sầu, Em đi lễ chùa này, Ngày đó chúng mình, Tìm nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Yêu là chết ở trong lòng, Khối tình Trương Chi, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Nước mắt mùa thu, Chiều về trên sông, Tôi đang mơ giấc mộng dài, Hẹn hò, Nước mắt rơi, Kỷ vật cho em, Tiễn em, Trả lại em yêu, Chủ nhật buồn, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Ta yêu em lầm lỡ, Giết người trong mộng, Bao giờ biết tương tư, Em hiền như Masoeur, Đừng nhìn nhau nữa em ơi, Nước non ngàn dặm ra đi, Ai đi trên dặm đường trường, Gió đưa cành trúc la đà, Con đường cái quan ….
Những kiệt tác ca, tuyệt tình ca trên gồm đủ thể loại ca nhạc như cách mạng ca, sơn hà ca, quê hương ca, tình ái ca, tâm tư ca, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca, tâm phẫn ca, tục ca, vỉa hè ca, thiên địa ca, vô thường ca, hư vô ca, nhật nguyệt ca, vũ trụ ca, sầu mộng ca, hoan lạc ca, Phật ca, Chúa ca, quỷ ca, Càn khôn ca, Ta bà ca, Lão Trang ca, Thần tiên ca, sinh diệt ca, liêu trai ca, mộ địa ca, hú hồn ca, yêu tinh ca, du mục ca, tang bồng ca, ma xó ca, ngật ngưỡng ca, túy lúy ca, siêu hình ca, vô ngôn ca…
Phạm Duy còn có đóng góp lớn là món NGOẠI CA, tức công việc chuyển ngữ cho các kiệt tác âm nhạc nước ngoài vào thị hiếu âm nhạc Việt Nam mà khi hát lên, nhiều người vẫn cho là ca khúc Phạm Duy…
Những tuyệt tác ngoại quốc được Phạm Duy chuyển ngữ và chỉnh sửa, phỏng lời, hoặc nắn lại nốt nhạc cho hợp tai người Việt Nam gồm : Ave Maria, Mối tình xa xưa, Dòng sông xanh, Khúc hát thanh xuân, Chiều tà, Dạ khúc, Trở về mái nhà xưa, Mơ màng, Ánh đèn màu, Vũ nữ thân gầy, Tình vui, Chuyện tình, Em đẹp nhất đêm nay, Cánh buồm xa xưa, Giàn thiên lý đã xa, Vai áo màu xanh, Hận tình trong mưa, Nắng thu, Bài ca ngợi tình yêu, Emmanuelle, Himalaya, Hờn ghen, Khi xưa ta bé, Không cần nói anh yêu, Khúc hát thanh xuân, Lại gần hôn em, Nắng xuân, Ngày tân hôn, Người yêu nếu ra đi, Biết ra sao ngày sau, Tình yêu ôi tình yêu, Vĩnh biệt người tình, Vĩnh biệt tình ta….
Thật không thể nào tin được, một ông Phạm Duy bằng xương bằng thịt lại có thể viết được ngần ấy bài tuyệt tình ca hay đến thế, mê hoặc hồn người Việt Nam đến thế. Có cảm giác chỉ một mình Phạm Duy đã là cả một thời đại tân nhạc Việt Nam. Có cảm giác trong người ông Phạm Duy còn giấu ẩn cả trăm nghìn người khác; hoặc trong thân xác ông còn giấu cả trăm nghìn bộ óc khác, trăm nghìn trái tim khác; trong hồn ông còn giấu trăm nghìn hồn khác; trong đôi tai ông còn giấu trăm nghìn đôi tai khác. Cho nên ông mới đủ sức làm ra một gia tài âm nhạc vô cùng đồ sộ, với một chất lượng không thể nào tưởng tượng ra được, rằng đây là sản phẩm của chỉ một con người?
Khi nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy bước vào tuổi 93 đang lâm trọng bệnh, tôi ngồi trong nhà, một mình tha thẩn ngoài sân nghe lại một cách hệ thống mấy chục album nhạc Phạm Duy trên Internet suốt cả nửa tháng trời mà lấy làm vô cùng thán phục ông. Hình như ông Phạm Duy chính là lò sản xuất ma xó vào loại lớn nhất thế giới? Trong mỗi bài hát, chừng như Phạm Duy đều gài vào năm dòng kẻ nhạc khóa sol của ông một con ma xó, hầu hớp hồn người nghe?
Tôi đồ rằng tâm hồn ông Phạm Duy có chứa một cái dạ dày (tất nhiên là dạ dày tinh thần) to bằng cả bầu trời? Quái kiệt giời sai xuống trần gian có tên là Phạm Duy có cái dạ dày tâm hồn biết tiêu hóa muôn muôn sự vật, từ sự vật thể chất đến sự vật tinh thần, rồi biến chúng thành giai điệu, thành lời ca. Không có cái gì chúng ta nhìn thấy, cảm thấy, mơ thấy, sờ thấy, ngửi thấy, nghe thấy, mơ thấy mà không có trong âm nhạc Phạm Duy. Từ góc sân nhà nơi ta lẫm chẫm tập đi, tập nhìn, tập nghe, tập khóc, tập cười, tập bú mớm, tập ăn, tập uống, tập làm người, thảy thảy đều có trong âm nhạc Phạm Duy.
Con sâu cái kiến, con giun, con dế, con chuồn chuồn, con chim, con cá, con kênh, con sông, con bê, con nghé, con mèo, con chó, con lợn , con gà, con voi, con vịt, con đom đóm, con người…đều hốt nhiên tìm đến năm dòng kẻ nhạc, năm đại lộ Phạm Duy mà leo, mà bò, đi lại, chạy, chảy, bay, bơi trong âm nhạc Phạm Duy…Cái cây, cái cối, cái chày, cái thằng con nít, cái nồi, cái niêu, cái chum, cái vại, cái nhà, cái xe, cái mâm, cái chết, cái sống, cái hư vô, cái thực tại, cái vô thường, cái hữu hạn, cái vô vi, cái sinh diệt, cái ác, cái thiện, cái tốt, cái xấu, cái sai, cái đúng, cái đẹp, cái thoáng chốc, cái muôn đời, cái đểu, cái chân, cái mê, cái tỉnh, cái giả, cái buồn, cái vui, cái bất tử, cái siêu hình, cái yoni (cái l…) cái Linga (cái c…), cái vợ, cái con, cái váy, cái khăn, cái nón, cái mồm, cái tay, cái chân, cái tóc, cái lông, cái dại, cái khôn, cái mùi, cái mát, cái tai, cái âm dương, cái phồn thực, cái mất, cái còn…đều được cái dạ dày âm nhạc khủng long của Phạm Duy tiêu hóa mà biến thành muôn vàn âm giai, muôn vàn làn điệu, muôn vàn lời ca ma ám, ám lấy hồn người?
Phạm Duy, ông có phải là thượng đế của âm giai, phù thủy của khóa sol, ma xó của bảy thanh âm: đồ rê mi pha sol la xi, thần linh của tiết tấu, quỷ sứ của nhịp điệu, con ma của ngôn từ…hay không mà hàng trăm bản nhạc của ông không hề bị hội chứng đều đều, lặp lại (monotone) trêu chọc, phá đám?
Phạm Duy, có phải ngay từ trong bụng mẹ, máu Sông Hồng đã ngấm vào máu ông, hồn cốt Thăng Long trong ca dao, dân ca, Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Trãi, thơ thiền Lý Trần cùng với heo may Hồ Gươm, mưa phùn Hồ Tây, gió bấc Kinh Bắc, hương cốm mùa thu chim ngói Mễ Trì, thoang thoảng hương hoa các làng hoa Ngọc hà, Nghi tàm, Nhật tân, Quảng bá ngát hơi xuân…đã làm nên máu thịt hồn ông? Nên đất ấy, hồ ấy, thu ấy, khí thiêng ấy, chim ấy, thơ văn ấy, gió bấc ấy, hương hoa ấy, làn điệu chèo ấy, quan họ ấy… đã mượn hồn ông mà hát lên cõi u u đất trời, hát lên nỗi lòng con người buồn vui khóc cười xứ Bắc?
Từ tấm bé, qua gia đình, cha mẹ, qua khí trời bàng bạc thu Hà thành, qua sách vở nhà trường, qua nỗi mơ hồ thiên địa, Phạm Duy đã tắm mình trong tâm hồn dân tộc. Từ năm 1947, ông đã có một định hướng nghệ thuật hết sức đúng đắn : để cả cuộc đời nghiên cứu dân ca, ca dao, tiếp thu tinh hoa âm nhạc dân tộc, phát triển và nâng cao chúng để kết hợp với nhạc Tây phương vừa du nhập vào nước ta qua nhạc nhà thờ, qua các bản giao hưởng cổ điển trong đĩa nhạc, các ca khúc Pháp, Ý… tân thời hát trong tiệm nhảy, quán café được thanh niên trí thức Hà thành học đòi bắt chước…
Có thể nói, Phạm Duy là nhạc sĩ đầu tiên đã nghiên cứu âm nhạc dân tộc một cách hệ thống, rốt ráo, đã học tập, tiếp thu tinh hoa cha ông trong nhạc ngũ cung, nâng cao lên để kết hợp với trào lưu “âm nhạc cải cách” (musicque renovée) thời 1938-1945 mà thành phong cách phi phong cách (một phong cách đa phong cách không dừng lại ở một air nhạc nào) có tên là phong cách Phạm Duy, khiến người nghe nhạc ông không hề cảm thấy sự nhàm chán …
Phạm Duy, ông không phải là tháp Bayon bốn mặt của đền đài Angkor Thom, Angkor Wat xứ Chùa Tháp. Nhưng ông chính là tháp Bayon muôn mặt của dòng tân nhạc Việt Nam suốt 70 năm qua. Gương mặt tâm hồn ông, gương mặt âm nhạc ông quả là muôn mặt: mặt dịu hiền, mặt thiết tha êm đềm êm ái, mặt tinh khiết, mặt tươi như mặt thiếu phụ đêm xuân yêu chồng, mặt cau có đau khổ như mặt gã trai thất tình, mặt quằn quại, mặt vò xé tang thương, mặt mê ly khoái lạc, mặt dúm dó nhàu nát, mặt thất thần, mặt điêu linh, mặt lênh đênh phiêu bạt, mặt thất sắc vô hồn, mặt hoen rỉ tối tăm, mặt hư vô hư ảnh, mặt nết đa đoan trang, mặt đĩ thõa, mặt giập nát, mặt sáng bừng như trăng, mặt hoa da phấn, mặt ngây ngô, mặt tiếu lâm, mặt hồng diện đa dâm thủy, mặt nạ người, mặt yêu tinh, mặt nạ dòng vớ được giai tơ, mặt hoài nghi khôn xiết, mặt thăm thẳm vực sâu, mặt buồn đêm ngơ ngác…Tất cả muôn mặt đó họp chợ lại thành gương mặt Phạm Duy - một mình làm cả một nền âm nhạc…He he he he…
Đi tận cùng tâm hồn dân tộc, Phạm Duy đã gặp tinh hoa thế giới và trở thành hiện đại bằng sự sáng tạo mang chất thiên tài của mình.
Xin quý bạn đọc nghe vài người khác nói về nhạc sĩ Phạm Duy:
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Trong ‘gia tài’ của Phạm Duy, có những tác phẩm mà qua lăng kính của mình ông đã nói lên những triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như ‘Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười’… Công tâm mà nói, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, Phạm Duy là một nhạc sĩ có nhiều tác phẩm để đời và mãi mãi còn trong lòng người Việt Nam qua nhiều thế hệ”. (Trong bài viết Phạm Duy, người bạn, người anh, người thầy của tôi).
Nhạc sĩ Lê Uyên Phương: “Như tiếng chuông vọng đến từ hư vô. Như những tia chớp sáng ngời trong đêm tối. Như những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày trong mùa Đông giá lạnh. Như những tia nắng chiều rực rỡ của một ngày đầy vui buồn của kiếp sống. Âm nhạc Phạm Duy đã đến trong mỗi cuộc đời Việt Nam như không khí trong bầu khí quyển của ca dao, tục ngữ, của truyện Kiều, của Cung Oán Ngâm Khúc, của Chinh Phụ Ngâm, của ngôn ngữ, của âm thanh, của cảm xúc Việt Nam. Trong đáy lòng của mỗi người Việt Nam, từ đã từng là một thiếu niên trong thời kháng chiến hay đến hôm nay là một thanh niên ở cuối thế kỷ 20, đều mang một dấu vết nào đó còn sót lại của bầu dưỡng khí đã nuôi lớn tâm hồn họ trong gần nửa thế kỷ này” (Trích bài viết Phạm Duy, nắng chiều rực rỡ)
Thi sĩ Nguyên Sa: ‘Hôm nay, có những người thích Rong Ca, có những người mê Bầy Chim Bỏ Xứ, có những người ngất ngây với Hoàng Cầm Ca, có những tín đồ của Thiền Ca. Có những người yêu Phạm Duy của new age, của nhạc giao hưởng, của mini opera và của thánh ca hơn Phạm Duy của Tình ca, Phạm Duy của dân ca, Phạm Duy của Kháng chiến ca, Phạm Duy của thơ phổ nhạc. Và ngược lại, có những người, với họ, chỉ có Phạm Duy của Tình ca mới là Phạm Duy. Chỉ có Phạm Duy Kháng Chiến Ca. Chỉ có Phạm Duy thơ phổ nhạc. Chỉ có Phạm Duy, chỉ có Phạm Duỵ... Nhưng đó, bạn thích Phạm Duy nào, tùy bạn. Cũng vậy thôi, viên kim cương có một ngàn mặt. Khác biệt với tấm gương chỉ có một mặt. Cho nên phải chọn lựa, phải bàn cãi, phải bất đồng, phải suối ngàn đầu, sông trăm nhánh chảy về vĩnh viễn một đại dương”.
 Nhạc sĩ Phạm Duy với Hộ khẩu & Chứng minh nhân dân
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội trong một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn học Mới hồi đầu thế kỷ 20. Anh là Phạm Duy Khiêm, giáo sư thạc sĩ, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes des terres sereines, Nam et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine...
Cuộc đời của ông ngoài việc ca hát, sáng tác nhạc còn có giai đoạn thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, học thầy Tô Ngọc Vân, và cùng chung lớp với Bùi Xuân Phái, Võ Lăng... Năm 1942 ông có sáng tác đầu tay Cô hái mơ. Năm 1944, ông thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều.
Bạn muốn biết thêm về tiểu sử nhạc sĩ Phạm Duy, chỉ cần vào trang tìm kiếm www.google.com đánh hai từ Phạm Duy là từ điển mạng (Wikipedia) sẽ cung cấp đủ cho bạn. Cũng như vậy, bạn vào trang tìm kiếm trên, đánh từ khóa: Album nhạc Phạm Duy là có thể nghe được ngót trăm Album nhạc của ông người trời họ Phạm…
Ngày 14/8/1999 tại nhà riêng, thị trấn Midway City, miền Nam California, danh ca Thái Hằng, hiền thê của nhạc sĩ Phạm Duy đã từ trần, hưởng thọ 72 tuổi (1927-1999), bỏ lại trên trần gian một người chồng tưởng nghiêng trời lệch đất, tưởng như một con khủng long âm nhạc lừng lững trần ai, bỗng giờ đây bị nỗi cô đơn khủng khiếp đến rợn người úp chụp lên đầu như trời sập. Chính từ nỗi cô đơn đến tuyệt vọng vì sự ra đi của người bạn đời mà ý định “cóc chết ba năm quay đầu về núi”, tức về hẳn Việt Nam sống nơi Phạm Duy hình thành. Sau một lần về nước thử xem một ông già từng chống cộng, nay chỉ thích chống gậy (!) coi cộng sản có còn thích bắt nhốt mình hay nữa không như hồi năm 1975? Nói dại, nếu hồi ấy ông không lẹ chân di tản, lỡ kẹt lại, Phạm Duy có thể phải ở tù cho tới chết. Năm 2005 Phạm Duy về nước sống thật, quyết định ở luôn quê hương cho đến khi ông xanh gọi về với tổ tiên.
Lập tức Phạm Duy bị một số báo chí hải ngoại cực đoan (chống cộng bằng chính phương pháp chụp mũ chính trị kiểu cộng sản) ném đá tơi bời hoa lá. Họ dùng tất cả sự tục tằn, thô bỉ, thậm chí dùng cả cứt đái của toàn nhân loại đổ chụp lên đầu một ông già thân cô thế cô, một mình hồi hương về cố quốc để sống nốt những ngày tàn và để chết. Họ gọi ông bằng thằng, bằng mày, bằng chó ghẻ, bằng quân nọ, quân kia. Họ cho ông ăn tất cả món dơ bẩn nhất trần đời. Rằng, làm như tất cả tội lỗi của cộng sản đều do Phạm Duy gây ra. Rằng, làm như Phạm Duy chính là thằng già đã mang tà thuyết về làm hại dân tộc, đất nước vậy …
Phạm Duy vốn là một tay chơi, một bố già đanh đá có hạng, một người nếu cần cũng mồm loa mép giải như ai, cũng anh chị Cầu Muối như ai, cũng có thể chơi cả đòn đầu đường xó chợ dao búa (dao búa kiểu chữ nghĩa, dao búa tượng trưng) xem có chết ai nào, có mà còn khuya mới bắt nạt được bố nhá! Phạm Duy một mình lủi thủi, túc tắc “bút chiến” với cái đám vong thân chính trị ô hợp, một trăm ông chống cộng đều chống nhau kia bằng chiến trường Internet. Trong cuộc chiến muôn chống lại một này, chữ nghĩa trên màn hình vi tính của hai bên đều a-la-sô xung phong ồ ạt, để lại từng đống xác chữ chết như ngả rạ trên chiến trường ảo điện báo.
Phạm Duy dùng chiếc que bông phèng cà rỡn chọc vào tổ ong vò vẽ hải ngoại: này các con giời kia, các con đã mấy chục năm nghe nhạc chùa của bố không phải trả tiền, nay còn tính ăn thịt bố chỉ còn xương bọc da nữa hay sao? Rằng, bố làm nhạc khi toàn ngồi trên bệ xí nhà vệ sinh đấy, nhạc của bố đôi khi cũng bốc mùi tí ti, sao các con chỉ cảm thấy thơm điếc mũi thế hả? (Chuyện này thì thiên tài Alb. Einstein đã từng tuyên bố: tôi nghĩ ra thuyết tương đối khi ngồi trong toilet đấy!). Thế là đám kẻ thù của “thằng già lơ láo về hàng cộng sản” liền nhảy dựng lên kêu gọi, rằng ai có tro dùng tro, ai có trấu dùng trấu, ai có phân dùng phân, phen này quyết ném vào mặt thằng “dê già”, thằng “loạn luân” “ăn chè Nhà Bè” năm xưa toàn bộ tinh thần căm thù không đội trời chung của người quốc gia chân chính ha ha ha …
Họ thi nhau bịa chuyện bôi nhọ Phạm Duy, bới móc đời tư của ông rồi chửi rủa bằng những từ ngữ bẩn thỉu nhất, hè nhau quy chụp chính trị một ông già cô đơn muốn về quê cha đất tổ để chết. Riết rồi Phạm Duy cũng mệt, hơi đếch đâu mà cãi nhau với đám bùng nhùng ba bứa ấy? Nè, bố mượn phép thắng lợi tinh thần của chú AQ Lỗ Tấn mà tạm phán rằng: các “moa” chửi “toa” cũng như đang chửi bố các “moa” mà thôi…
Những người đồng hương tị nạn ném đá vào Phạm Duy qua biển Thái Bình Dương chung quy cũng chả làm cóc gì được ông, lại còn có khi bị khí chất đanh đá cá cày đáo để chua ngoa của “vũ khí mất gà” nơi ông chơi lại tóe khói chứ chẳng chơi. Nhưng khi những người anh em bên kia giới tuyến nơi cố quốc cũng nhạc sĩ như ai, cũng trí thức trí ngủ như ai thi nhau ném đá vào ông thì ông đành thở dài, im lặng chịu đau, giả mù, giả câm giả điếc để ngồi nghe nỗi đời nhiễu nhương ra đòn thù ghen ghét tài năng.
Ấy là vào năm 2005, sau khi về nước, Phạm Duy được công ty văn hóa tư nhân Phương Nam mua đứt bản quyền trọn đời âm nhạc, trả cho ông một số tiền thù lao kha khá là một căn nhà khang trang để ở và những đêm ca nhạc rầm rộ. Công ty Phương Nam độc quyền bán vé kinh doanh những đêm nhạc Phạm Duy, lời ăn lỗ chịu, tuyệt nhiên không có sự bù lỗ của nhà nước như khi các ông nhạc sĩ quốc doanh làm đêm nhạc dối già.
Công chúng náo nức đi nghe nhạc Phạm Duy đông chật các nhà hát, thậm chí không đủ vé bán, có người còn phải mua vé lậu, vé chui đắt gấp hai ba lần giá vé chính thức. Phạm Duy bị “vây giữa tình yêu” bởi lòng yêu mến của công chúng nơi cố quận với ông đã bị dồn nén mấy chục năm trời nay chợt bùng vỡ. Ông bị dìm đến có cơ ngạt thở trong những tràng pháo tay nổ rền như dàn sơn pháo đại hợp xướng Tân Tây lan chơi liên tù tì thời chiến tranh Việt Mỹ.
Thói đời, ma cũ bắt nạt ma mới, đám nhạc sĩ cây đa cây đề trong Hội nhạc sĩ Việt Nam thấy NGÀY TRỞ VỀ của Phạm Duy được công chúng đón rước rất huy hoàng, hoành tráng, có vẻ giống như dân Pháp xưa đón Nã Phá Luân chiến thắng từ châu Phi trở về… bèn nóng mặt, ghét cay ghét đắng mà hè nhau ném đá vào Phạm Duy, toàn những cục đá vu cáo chính trị to bằng nắm tay, có vẻ muốn khích nhà cầm quyền cấm tiệt nhạc Phạm Duy, hay giam lỏng ông cho nhạc cách mạng của các ông nhạc sĩ bất tài lên ngôi…
Mở màn chiến dịch ném đá Phạm Duy tại quốc nội, nhạc sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Lưu (con trai nhân sĩ Nguyễn Xiển 1907-1997, từng là tổng thư ký đảng xã hội Việt Nam, phó chủ tịch ban thường vụ quốc hội Việt Nam) viết trên báo “Đầu tư” ngày 13-3-2006 bài: “Không thể tung hô” như sau:
“Tôi muốn nói đến trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy, người mới được xưng tụng sau đêm nhạc "Ngày trở về" (diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM). Một người bạn, nhà văn Chu Lai đã tỏ ra tâm đắc với ý tưởng này và cho biết, Tạp chí Thế giới mới số mới nhất có đăng một bài viết, với nội dung gói gọn: "Một người từng bỏ kháng chiến theo thực dân Pháp, khi Pháp rút lại theo Ngô Đình Diệm và khi ngụy quyền sụp đổ lại chạy qua Mỹ. Và tại đó, đã viết hàng loạt bài kêu gọi chống Cộng, với giọng điệu “sặc mùi” hiếu chiến. Nay, thấy Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, lại xin trở về! Hà cớ gì phải tung hô, xưng tụng đến như thế!".
Cũng trên bài báo này, nhạc sĩ Nguyễn Lưu quy chụp chính trị nhạc sĩ Phạm Duy bằng đòn vu khống chính trị bịa đặt trắng trợn như sau:
"Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài Mùa thu chết. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. (Bài báo Không thể tung hô của tác giả Nguyễn Lưu đăng trên Báo Đầu tư ngày 13.3.2006)
Xin nhà báo nhạc sĩ Nguyễn Lưu coi lại xuất xứ bài hát này của nhạc sĩ Phạm Duy: “Mùa thu chết” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy là phổ thơ của thi hào Pháp Apollinaire (1880-1918) . Bài thơ của Apollinaire chỉ có 5 câu, mang tựa đề L'Adieu (Vĩnh biệt), nguyên văn:
J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends
Tạm dịch:
Ta ngắt một cành thạch thảo
Em hãy nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta không còn được nhìn nhau nữa trên đời
Mùi thời gian đẫm hương thạch thảo
Em hãy nhớ rằng ta vẫn chờ em
Căn cứ trên giấy trắng mực đen vừa dẫn trên, Nguyễn Lưu cần phải viết thêm một bài lên án chính tác giả bài thơ là thi hào Apollinaire - người đã mất từ năm 1918 – chính là người đã “chống cộng” vì dám bảo Mùa thu cách mạng tháng tám 1945 ĐÃ CHẾT, chứ nào phải Phạm Duy…Chưa từng thấy sự xuyên tạc văn bản nào trắng trợn và hèn hạ, dốt nát hơn sự xuyên tạc của ông Nguyễn Lưu với bài thơ phổ nhạc “Mùa thu chết” này…
Nguyễn Lưu còn kéo thêm các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Tân Huyền vào băng nhóm ném đá Phạm Duy chỉ vì trò ghen tức, đố kị người tài năng hơn mình, khi thấy quần chúng bày tỏ lòng yêu thích nhạc Phạm Duy một cách cuồng nhiệt trong đêm nhạc “Ngày trở về” như đã nêu trên.
Ngay sau bài mở màn chiến dịch ném đá Phạm Duy của Hội nhạc sĩ Việt Nam do nhà báo nhạc sĩ Nguyễn Lưu làm tiên phong, đã đến lượt quân đỏ xuất tướng bằng bài viết “Nhạc Phạm Duy và những điều cần phải nói” của Khánh Thi trên tờ “An ninh thế giới” số tháng 4-2009 của Trung tướng công an Hữu Ước. Nhà báo Khánh Thy ghi lại sự phản ứng rất tức giận của ba nhạc sĩ cây đa cây đề trong nước, xin trích vài đoạn sau:

Nhạc sỹ - NSND Trọng Bằng – nguyên tổng thư ký (tức chủ tịch) Hội nhạc sĩ Việt Nam

ôi có đọc trên báo thấy có nhiều lời tâng bốc cũng hơi là lạ, không quen.
Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta.
Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc.
NS Phạm Tuyên
Bởi lẽ tìm tòi trong âm nhạc của Phạm Duy cũng chỉ có hạn thôi, trong khi đó tìm tòi về mặt sáng tạo âm nhạc ở trong nước ta có rất nhiều tài năng, nhiều khả năng.
Ngay vấn đề đem âm nhạc phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì làm thế nào mà so sánh nổi với Văn Cao hay bất cứ một nhạc sỹ nào tham gia cách mạng. Sự đóng góp của nhạc sỹ Văn Cao rất phong phú, bây giờ được ghi nhận là người có đóng góp lớn cho đất nước và âm nhạc Việt Nam.
Tôi chỉ có một suy nghĩ nhỏ, chúng ta chúc cho ngày trở về của nhạc sỹ Phạm Duy là một sự trở về của lá rụng về cội. Còn đánh giá về con người, nhất là đánh giá về tác phẩm thì phải rất thận trọng, công bằng và đúng bản chất, một phần nào đó phải có giới hạn. Đừng chạy theo thị hiếu, theo cơ chế thị trường mà quá đề cao sự đóng góp của nhạc sỹ Phạm Duy, như vậy mới xứng đáng với lịch sử, với những người đã đổ máu xương cho đất nước, cho dân tộc được có ngày hôm nay.
NS Hồng Đăng

Nhưng gần đây, báo chí lại rộ lên về những chương trình của Phạm Duy. Tôi cũng nghe rất nhiều người phàn nàn là tác phẩm của Phạm Duy như thế mà báo chí tâng bốc, đề cao đến mức y như là nhân vật số một của âm nhạc Việt Nam hiện nay, và là người nhạc sỹ kỳ tài. Điều ấy là vô lý, như thế không đúng, huống gì lại xem như người có công lớn (?!).
So sánh một cách thẳng thắn, những bài hát của Phạm Duy có một vài bài công chúng thích và không phải bài nào công chúng cũng thích.
Trong lúc ấy chúng ta có những tên tuổi lừng lẫy từ Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lê Yên, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Hoàng Vân, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, và còn rất nhiều người khác đã gắn bó với những ngày gian khổ, thiếu thốn cùng cực của đất nước chỉ để góp một chút gì của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc.
Từ ngày anh đi, anh Duy ạ, nền âm nhạc của chúng ta đã khác trước nhiều lắm. Từ một đội ngũ thưa thớt thời của anh, giờ đây không biết bao nhiêu tên tuổi nổi lên một cách xứng đáng, có hiểu biết, có tìm tòi, khác xa thời anh bỏ khu III, khu IV mà đi. Tất nhiên anh Phạm Duy có thể kiêu một tý cũng chẳng sao, (thói thường mà)! Nhưng những người hướng dẫn dư luận có lẽ nên nghĩ kỹ một tí, để khách quan hơn, công bằng hơn. Còn riêng một chi tiết nhỏ về chuyên môn: Các anh em nhạc sỹ sau này khai thác dân ca vào sáng tác mới giỏi hơn anh nhiều lắm.
Khánh Thy
Thiết nghĩ, những phát biểu, những phản ứng đầy ghen tức, đố kỵ rất cảm tính, thiếu lý tính của ba nhạc sĩ trên sau đêm nhạc rất huy hoàng của nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra trong nhà hát lớn Hà Nội cuối tháng 3/2009, sẽ mãi mãi là vết nhọ trên gương mặt âm nhạc của ba vị này, không cách gì gột sạch.
Điều tôi băn khoăn là sao nhạc sĩ Phạm Tuyên (con út cụ thượng Phạm Quỳnh, người từng bị Việt Minh thủ tiêu sau Cách mạng tháng tám 1945) một người điềm đạm, chín chắn, một trí thức con dòng cháu giống, danh gia vọng tộc, sao lại đi phát ngôn những lời ghen ăn tức ở, ganh tài lộ liễu hơi bị tầm thường với nhạc sĩ Phạm Duy thế? Xưa nay, tôi từng quý mến anh Phạm Tuyên (người đã phổ nhạc bài thơ thiếu nhi “Mèo đi guốc” của tôi, cũng như nhạc sĩ Nguyễn Lưu, người cũng đã từng phổ nhạc bài thơ Kôn Tum của tôi tức TMH)
Chính ra, nhạc sĩ Phạm Tuyên - người có nhiều nét tương đồng hoàn cảnh với nhạc sĩ Phạm Duy, hơn ai hết phải biết cảm thông với vị nhạc sĩ “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” do các trào lưu chính trị xô đẩy suốt mấy chục năm này, sao lại đi ném đá vào người có số phận éo le như mình thế? Phạm Tuyên đi theo cách mạng bằng mặc cảm tự ti đầy mình, nhục nhã vô hạn với một lý lịch xấu nhất nước: con đại phản động (Phạm Quỳnh) bị cách mạng xử bắn, đã phải nhún nhường làm thân phận con sâu cái kiến, đấm ngực ăn năn tội bằng các bài hát “yêu đảng vượt chỉ tiêu trên giao” suốt mấy chục năm mới được vào đảng…Nhưng thôi, chúng tôi không nói nữa, vì anh Phạm Tuyên còn cả nghĩ hơn tôi nhiều…
Văn hào nước Áo gốc Do Thái Stefan Zweig (1881-1942), người đã cùng với vợ là bà Lotte tháng 2 năm 1942 tại Rio de Janeiro, đã làm cuộc tự tử chính trị, bằng cách hai ông bà tự nguyện chết trên ghế điện trong tâm trạng cô đơn tuyệt vọng, để phản đối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai vô nhân đạo do Hítle gây ra, đã từng có câu nói nổi tiếng: “Thân phận con người trong thế kỷ hai mươi là thân phận con người chính trị”.
Ở Việt Nam, ngót 70 năm qua, không chỉ nhạc sĩ Phạm Duy mà đến con kiến cũng phải mang thân phận chính trị. Từng con người Việt Nam mang thân phận bao cát treo lủng lẳng để các tay boxe chính trị thi nhau đấm như mưa trong các cuộc tập dượt đấu quyền anh cách mạng, quyền anh chiến tranh…
Phạm Duy mang thân phận bao cát treo lủng lẳng trước những cú đấm tập dượt trời giáng của các tay quyền anh chính trị từ cả hai phía đỏ và xanh, khiến ông bị xô dạt từ bờ chính trị này sang bờ chính trị khác mà không sao chủ động…
Các nhà “bới móc học” từng cho xem tấm ảnh Phạm Duy mặc bộ đồ bà ba đen của một chiêu hồi viên đứng trên nền nhạc “Giọt mưa trên lá” để công bố tin chấn động thế giới rằng, tay “tắc kè chính trị” này từng chống cộng khét tiếng đấy à nha…
Có thể trong cuộc đời riêng, vì hoàn cảnh sống đưa đẩy tới chân tường, bắt buộc Phạm Duy phải bị chính trị hóa, nhưng âm nhạc của ông, tuyệt đại đa số các bài hát hay nhất không hề bị chính trị hóa. Có thể ông đã phải mặc bộ đồ bà ba đen của viên chức trong bộ chiêu hồi, nhưng bài hát “Giọt mưa trên lá” của ông là một kiệt tác âm nhạc không hề phục vụ chính trị, rất khác các bài hát của mấy nhạc sĩ vừa ném đá ông trong chế độ miền Bắc, luôn luôn lấy âm nhạc phục vụ chính trị làm mục đích…
Âm nhạc Phạm Duy đạt được giá trị muôn đời vì đã vượt lên trên các đối kháng chính trị nhất thời. Ấy là cái khác nhau một trời một vực giữa Phạm Duy và Phạm Tuyên vậy.
Nếu cứ lấy lăng kính đạo đức, lăng kính chính trị để soi lên cuộc đời các ông to bà lớn của cả hai phía quân xanh quân đỏ, chúng ta đều chỉ nhìn thấy những âm bản thê thảm mà thôi. Lấy lăng kính chính trị, lăng kính đạo đức ra soi mói cuộc đời riêng của Phạm Duy, rồi phủ nhận sự đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc, cho Tổ Quốc Việt Nam bằng âm nhạc yêu nước, yêu con người, yêu nhân loại hết cỡ của ông, như hai phía của cực đoan chính trị vừa hùa nhau ném đá ông kể trên, thiết nghĩ là một việc làm thiếu lương thiện.
Trong bộ sách hồi ký đồ sộ của mình, Phạm Duy cũng thừa nhận ông có tài, có tật, ông cũng như ai tham sân si, cũng ăn chơi hút sách cờ bạc…trai gái; nhưng không có rượu chè bê tha à nha. Vụ “ăn chè nhà Bè” là vụ báo chí chơi xỏ ông, bịa đặt thêm mắm thêm muối để đưa tin rẻ tiền cốt bán báo. Chẳng nhẽ, ông không có quyền mời ca sĩ Khánh Ngọc (một bên là dâu, một bên là rể của đại gia đình họ Phạm) đi quán café để bàn chuyện chuyên môn giữa nhạc sĩ và ca sĩ hay sao?
Những người ném đá Phạm Duy thường cho ông là người mục hạ vô nhân, khinh người, khinh đồng nghiệp hơn mẻ. Trong hồi ký của mình, Phạm tiên sinh đã nhiều lần cám ơn các nhạc sĩ đã mở đầu nền tân nhạc Việt từ Nguyễn Văn Tuyên đến Đặng Thế Phong. Có cơ hội là ông tìm cách ca ngợi đồng nghiệp. Trong bài hát “Yêu tinh tình nữ” có câu hát nguyên văn như sau: “Yêu tinh tình nữ thường hát cho tôi nghe bài ca tiền chiến của Đặng Thế Phong hay Văn Cao tuyệt vời”.
Phạm Duy viết về Văn Cao trong hồi ký:
"Thấp bé hơn tôi, khép kín hơn tôi, nhưng Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều. Chắc chắn là đứng đắn hơn tôi. Lúc mới gặp nhau, anh ta chưa dám mày-tao với tôi, nhưng tôi thì có cái tật thích nói văng mạng (và văng tục) từ lâu, kết cục, cu cậu cũng theo tôi mà xổ chữ nho. Nhưng Văn Cao bản tính lầm lỳ, ít nói, khi nói thì bàn tay gầy gò luôn luôn múa trước mặt người nghe. Anh ta thích hút thuốc lào từ khi còn trẻ, có lần say thuốc ngă vào tay tôi. Về sau, anh còn nghiện rượu rất nặng."
Trong hồi ký Thời Cách mạng kháng chiến của Phạm Duy, ông viết:
“Bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao là một tác phẩm vĩ đại. Văn Cao luôn luôn là một người khai phá và là cha đẻ của loại Trường Ca” (Cali, 1989, tr.121)
Con tàu đất nước hôm nay dường như đang mất thắng, có cơ đâm vào chân tường diệt vong bởi nạn nội xâm và giặc ngoại xâm đe dọa, nơi đời sống tâm hồn dân tộc đang bị tha hóa cực độ, gần như các giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc thời Thơ Mới, thời văn chương Tự lực văn đoàn đang có cơ sụp đổ, thì việc xuất hiện lại những bài hát đầy nhân bản của Phạm Duy trong nền nhạc Việt hôm nay, hình như đang cho chúng ta cái cơ hội mong manh để hi vọng.
Phạm Duy, tượng đài lớn nhất của nền tân nhạc Việt Nam đang cùng các tượng đài Văn Cao, Trịnh Công Sơn …sừng sững dưới vòm trời văn học nghệ thuật dân tộc, cùng các tượng đài thi ca xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…sẽ mãi mãi trường tồn tới muôn vàn mai hậu .,.
Sài Gòn ngày 07-01-2013
Trần Mạnh Hảo


Và sau cùng là bài của anh bạn tôi: Hoàng Nguyên Nhuận.
Về Một Tài Hoa Đa Đoan

Hoàng Nguyên Nhuận

Phm Duy là mt hin thân ca kh đế lch s. Có th nói Vit Nam thi chiến tranh có ba nhc sĩ tài hoa. Văn Cao, Phm Duy và Trnh công Sơn.
Văn Cao và Trnh công Sơn phi tr giá khá đắt để sng vi nhng la chn ca mình. Văn Cao chua xót trước mt thành công không trn vn ca dân tc. Trnh công Sơn thy được nhng tht bi huy hoàng ca lch s nên c đứng lên trên nhng vinh quang chiến thng không trn vn đó, ngay t đầu.
Theo ngôn ng chính tr thi thượng mà nói, nếu Văn Cao là mt thành phn th nht phin mun, Trnh công Sơn là mt thành phn th ba thy chung thì Phm Duy li là mt thành phn th hai lp nghip bng thành phn th nht và thành công bng thành phn th hai.
Phm Duy xác lp được ch đứng vng vàng ca ông trong tâm hn người Vit đó cũng là nh khuynh hướng lãng mn rt trn ly, và lòng ham mun sng còn qua mt cuc chiến b lũng đon nng n bng nhng ý thc h ngoi lai.
Phm Duy đã vp phi mt 'sai lm' mà ông không bao gi mun thng hi. Sai lm tham gia cách mng mùa Thu. Phm Duy tr thành tù nhân, tr thành con tin ca chính mình.
Hin hu vi Phm Duy là đưa võng.
Hai bài viết ngn sau đây ch c gng nói lên điu đó...

Âm Vực của Công Án
hay
Nghĩ về Thiền Ca của Phạm Duy (trích) 
Hoàng Nguyên Nhuận
Cuc đời là mt ni bt hnh đột nhiên ng chng. Kierkegaard gi đó là mt tâm thc n da gà - crainte et tremblement . Triết lý, tôn giáo thường là nhng c gng thuyết phc con người thích ng vi ni bt hnh đó để thoát ra, để vươn ti.
Đạo Pht vi nghip, đạo Nho vi thân dân, đạo Lão vi vô vi, đạo Chúa vi thiên ý... Nghip giúp người chp nhn đời, thân dân ch cách li vi đời, vô vi dn đường thoát đời, thiên ý ch đường v đất ha ngoài cuc đời này.
Mt khác Marx bo triết lý là mt trò chơi phù phiếm vô b ch để kiến gii đời mà không thúc đẩy ci to đời, và tôn giáo ch là ma túy không ch tr đau nhc mà ch làm nguôi quên nhc nhi chc lát.
Thc tế thì không phi tôn giáo mà chính cuc đời này mi là ma túy; sng kh, yêu kh, ghét kh, tham kh, hn kh nhưng c bám riết. Bi nht thi chng còn đường nào khác hơn là t t và 'đấu tranh'.
Mà t tđấu tranh không phi là điu mà ai cũng có th làm vì t t đòi hi mt qu bin toàn trit, trong khi đấu tranh - xut gia, làm cách mng, đòi hi mt thoát xác toàn din, mt dn thân tuyt đối.
Ngao ngán vì nhng chém giết điên cung ca đại chiến th hai, Sartre và các nhà văn hóa hin sinh đã nghĩ rng đời là mt ng ngn l bch - absurde.
Mười năm trước đó, Huizinga đã nh nhàng hơn bo rng bn cht ca hin hu không phi là lao tác - homo faber , là suy tư - homo sapiens ; bn cht ca hin hu là hí lng - homo ludens. Chng có gì thường hng nghiêm túc theo nghĩa thông thường.
Nhưng không phi ngày mt ngày hai mà người ta thy được 'làm lm cũng tm trung'. Hí lng ch xut hin cui đường trn thân bm dp, nhc nhi.
Hí lng cũng chính là mt quan nim v cuc đời ca Pht giáo. Quan nim vô thường sc không.
Bi đầu đường trn thân bm dp là ý thc kh và cui đường bm dp trn thân là ý thc vô thường nên 'anh hùng mt vn bán qui tăng' nếu có xy ra cũng là chuyn đương nhiên.
Phm Duy là mt hin thân ca s tr v đương nhiên đó vi album mi mang tên Thiền Ca .
Anh hùng mt vn?
Tôi không nghĩ Phm Duy đã mt vn theo nghĩa thông thường ca nhân thế.
Bi đã cái tui 'c lai hi' mà Phm Duy vn 'ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ', mà Phm Duy còn viết nhc, còn hát nghêu ngao được, còn tht tình được như mt k mi 'hai mươi tui đời' thì qu tht Phm Duy chng mt vn chút nào.
Phm Duy đang tn ti như mt lõi trm hương, tui đời càng chng cht thì càng cng, càng thơm.
Phm Duy ch quay v vi đạo vì Phm Duy thy rng /khổ lụy tận cùng là thoát đau thương/ (Thin Ca 9) .
Tôi không nh mt nhà văn nào ca Pháp đã nói đời ch hơn thua nhau v cái chu chơi - /la seule chose qui compte c'est le risque./ Ta đề Thiền Ca ca Phm Duy là mt thách thc loi đó. Bi cn li để kiến gii nên Thin có th dùng nhc để t bày tâm thc.
Thin là mt th liu ca k mun kiến gii công án Thin để m ca gii thoát. Tiếng hát Thin tiêu biu hình như là tiếng cười làm vũ tr giá băng ca Thin Sư Không L - /Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư./ Hình nh Thin tiêu biu là n cười mím chi ca Ca-Diếp đáp li Pht vn.
Thin hình như là tâm trng ca người ý thc được mình đang đim hết-ch-nói.
Phm Duy đã mun truyn cho đời cái kinh nghim vong ngôn l tuyt đó bng album Thiền Ca.
Hết ch nói mà vn mun nói, vn mun hát. Để chia x vi đời nhng kinh nghim v hết-ch-hát, hết-ch-nói ca mình. Đó là thái độ thách thc đời ca mt nghip dĩ tài hoa, ca mt 'đứa con hoang'. Và vì chân giá tr ca đứa con hoang là lúc nó tr v nên phi chăng Thiền Ca là tiếng hát ca đứa con hoang trên đường hi x?
Nói cái-không-th-nói, nói để khi phi đối thoi, để xóa li nói, để ngưng suy nghĩ là bn sc ca công án Thin. Mười bài Thin Ca có phi là mười công án? Câu hi đó người nghe nhc Phm Duy phi tr li ly. Riêng tôi, bài Thiền Ca vi ta đề Võng là bài đánh chú ý nht v phương din này.
Trong bài phng vn ca báo Người Việt ngày 6.10.1992, Phm Duy gián tiếp nhc đến nguyên y ca bài Võng khi Phm Duy tâm s /có nhng bui trưa, nm trên mt cái chõng tre hay trên mt cái võng gai, nhìn trên tri, thy áng mây bay và bng thy mình là mây, đang bay thoát ra khi tc ly/.
Tôi nghĩ rng còn có nhng điu Phm Duy chưa mun nói hết ra, và đó chính là giá tr thc ca 'công án' Võng.
Võng là mt hình nh ca cuc đời, ca s sng và biên cương di động, chông chênh vi tế gia hai hoàn cnh, gia hai la chn, gia tt và xu, thin và ác, đúng và sai, hn và thương, yêu và ghét, chp và x... theo nghĩa thông thường ca nhân thế.
Sng là động, sng là nm võng. Không thích đưa võng, không chu võng đưa thì nm giường nm đất cho 'yên', chng cn phi lên võng làm gì. Cũng như sng là phi la chn. Võng đưa bên này thì xa bên kia, như Phm Duy nói, gn sinh thì xa t, gn tình bn thì xa hn, gn vui thì xa kh.
Cuc đời ca Phm Duy cũng là biu hin ca nhng nhp võng lch s.
Năm 1945, nhp võng đưa Phm Duy vào đường 'tay súng tay đàn', vì độc lp t do ca quê hương, my năm sau nhp võng li đưa Phm Duy ri xa cái lng son ngt ngt mùi hoa độc tôn độc thin, ri nhp võng đưa Phm Duy xuôi Nam cho đến năm 1975 nhp võng đã biến Phm Duy thành cánh chim b x...
Trong hành trình bm dp trn thân ni trôi 'theo mnh nước' đó, phn nào là la chn ca đời Phm Duy, phn nào là đời la chn cho Phm Duy?
Điu đó ch có mình Phm Duy biết, ch mình Phm Duy tr li được. Phm Duy kết thúc bài Võng vi câu /Tôi nằm đó, nằm im một chỗ/, có phi Phm Duy mun đời nghĩ rng đã đến lúc Phm Duy hết mun đưa võng mà cũng hết mun để võng đưa?
Trên đường bôn ba đào t, mt hôm Lc T Hu Năng thy hai chú tiu cãi nhau v chuyn 'gió động, phướn động'. Lc T hòa gii bng cách bo rng gió không động, phướn không động, ch có tâm động. Tâm không động na thì gió không lay mà phướn cũng không bay. Tâm không động na là không đưa võng và cũng không để võng đưa, là 'nm êm mi ch' vy.
Phm Duy viết Thiền Ca vì mun võng nm yên, hay vì võng đã nm yên? Câu hi đó không khéo li tr thành công án cho Phm Duy...Ch khi tâm không còn động na, võng không còn đưa na, không t la chn và cũng không để đời la chn cho mình na thì hình như người ta mi đạt được cái tràn đầy tròn tra, hay như Phm Duy, thy được cái /thật thà gian dối/ nơi chính /người tình tuyệt vời/ (Thin Ca 7).
Hình nh tht thà gian di tròn tra tuyt vi này nhc tôi nh đến mt ý tưởng tương t ca Hồng Lâu Mộng: /Gi dic chân thì, chân dic gi /Vô vi hu x, hu dic vô/ tm hiu là lúc gi biến thành tht thì tht cũng là gi, lúc cái vô vi có nơi an trú thì có cũng là không.
Có l Phm Duy đã th nghim được điu đó nên Phm Duy mi thy được người yêu trn trung đứng bên Ngc Hoàng Thượng Đế (Thin Ca 9). Có l Phm Duy đã th nghim được điu đó nên Phm Duy mi nói được /Tưởng địa ngục đen / ngục sáng hơn đèn/ và /Mới hay thiên đường kia cũng tối om/ (Thin Ca 9) .
Pht ngày xưa, đang đêm phi ba chân bn cng b v b con tìm đường thoát. Không phi Pht đành dt tình thê nhi để cu ly thân như nhng người được may mn di tn trước ngày 30.4.1975. Pht lìa tình nh để được trn vn vi tình ln. Tình chúng sinh. T chi tình riêng thường là bước khi đầu ca quyết tâm 'vượt biên' sang b Giác.
Kinh nghim siêu nhiên ca Phm Duy hình như có hơi khác v đim này. Chính vì Phm Duy đã nói Thiền Ca được sáng tác /trước hết (để) tạ ơn một người tình/ (Ta Thin Ca ). Cũng d hiu thôi vi mt người hình như va đa tình, va nng tình như Phm Duy...
Bích Khê tng t người tình tuyt vi ca mình mt cách tht hết ch nói /Nửa trên em là thiên đàng /Nửa dưới em là hỏa ngục./ Bi không th tách được người tình làm đôi để khi cn phn nào thì dùng phn đó, cho nên yêu phi là nhn c thiên đàng ln địa ngc.
Tình yêu tuyt vi là tình yêu bt nh, địa ngc cũng là thiên đàng. Điu này nhc tôi nh đến mt công án không biết ai đã bày ra...
Mùa Vu Lan, Pht chnh lòng nh đến người bà con ham làm đảo chánh ca Pht là Đề-Bà Đạt-Đa đang th hình dưới âm ti. Pht bèn dùng thn thông xung... thăm nuôi Đề-Bà Đạt-Đa. Biết Pht còn thương mình, Đề-Bà Đạt-Đa đã nài n xin thêm Pht vô lượng t tâm bo lãnh cho Đề-Bà Đạt-Đa v Niết Bàn vi Pht.
Điu đáng nói là không ai cu được Đề-Bà Đạt-Đa ngoài Đề-Bà Đạt-Đa vì lý do đơn gin là không ai khác đã to ra ác nghip cho Đề-Bà Đạt-Đa ngoài chính Đề-Bà Đạt-Đa. Pht không n gii thích điu đáng bun y cho người bà con được nên Pht ch tìm cách an i bng cách ghé tai Đề-Bà Đạt-Đa nói nh: 'B Ngài tưởng trên Niết Bàn bao gi cũng vui lm sao?!'
Bi Phm Duy đã thy địa ngc có khi sáng hơn thiên đàng nên Phm Duy có làm Thiền Ca vì người tình tuyt vi thì cũng chng có gì phi ngc nhiên vy.
Hiu theo nghĩa đó thì Thiền Ca cũng là Tình Ca. Li ca ca mt người tình đã tng đi qua /tận cùng khổ lụy/ để thy được nhng hư huyn ca cuc đời, ca yêu thương, ca đam mê. Thy để mà có th /an nhiên hát nhỏ/ khi /Ta chưa ôm em thì mất em/ (Thin Ca 6).
Mười bài Thin Ca ch có bài 1 và mt phn bài 4 là không trc tiếp nói đến tình, dù tình nh, dù tình ln. Phm Duy là người nng tình, nng n mà.
Điu này đã làm cho Phm Duy không đi vào Thin như mt Thin gi, không đến vi Thin bng nhng hình thc, nhng ngôn t, nhng ni dung... c đin, kinh vin. V li, hành thin mà ch lo bám vào hình thc thì có ngày bước ht, có lúc tu ha nhp ma.
Nhng đồ đệ v hình thc ca Khng T ngày xưa đã làm cho Khng T có lúc phi vò đầu bt tai kêu tri như bng: Ô hô! Ai tai! Nói đến L ta đâu có nói đến la là, nói đến Nhc, ta đâu có đòi chiên trng!
My trăm năm sau, Đức Jesus cũng lp li ý tưởng tâm đạo đó trong sách Mathiơ rng ch nên đánh trng thi kèn khi làm vic thin. Pht thì cnh cáo rõ hơn v bnh hình thc - ngay c Thin hình thc, khi Pht nói trong Kinh Kim Cang rng 'nếu da vào sc mà thy ta, ly âm thanh mà cu ta thì tc là đã hành tà đạo, khó mà thy được Như Lai'.
Có phi Phm Duy đã đi theo dòng tu không v hình thc đó mà vào Thin khi dùng Tình để đến gn vi Đạo như người ta dùng ghe để vượt biên không? Điu đó ch có Phm Duy tr li được.
Đạt được l sc không ca đời, ca tình nhưng Phm Duy hình như chưa dt được tình, chưa lng được tâm. Cho nên li tình trong Thin Ca quá bun, mt ni bun phng pht nhưng sâu đậm, man mác nhưng đau nhc.
Phm Duy đã đạt đến mc thượng tha khi hát nhng cuc tình đổ nát đau thương không trn vn. Nghìn Trùng Xa Cách, Nước Mắt Mùa Thu, Anh Yêu Em Vào Cõi Chết v.v. Nhng ni đau đó rt sc, rt nhn, như mũi kim xuyên thng vào tim óc người nghe ch không tn mn rã ri như li tình ca Thiền Ca .
Li tình ca Thin Ca làm cho người nghe thu xương ty nhưng không để li mt vết bm nào trên da tht. Đau nh, đau ê m, đau khp nơi nhưng không vết bm, vết máu. Phi chăng vì Phm Duy chưa mun thc s nhìn Tình qua con mt Đạo như David ca Do Thái trong Thi Thiên, như Tô Man S ca Trung Hoa thi Cách Mng Tân Hi?
Nhc Thin Ca sáng trong và thanh thoát nhưng li Thin Ca li vn v não nut. Không hiu ti sao tôi li cm thy như vy; mt cm nghĩ mà tôi đã không có khi nghe Moonstone ca James McCarty và Luis Cennamo hay Zen ca Terry Oldgiels.
Có phi vì Phm Duy chu quay v vi Đạo như 'hn bướm mơ tiên' nhưng chưa chu quay lưng vi cuc đời phù thế bm dp?
Có phi Phm Duy quay v để ngh mt ch chưa ngh chơi, chưa b cuc chơi?
Phm Duy hình như cũng gián tiếp xác nhn điu đó. 'Bây gi đã trên 70 tui, tôi vn còn được đứng chung vi anh em tr hay già, làm cuc chiến đấu cho nhân quyn, cho dân ch, nghĩa là cho s t do ca con người.' (Người Việt , sđd).
Nếu qu vy thì âu cũng là nghip dĩ, và vi tôi, đó có thđiu đáng 'mng' cho làng nhc Vit hi ngoi đang lông bông nhàn nht mt bn sc.
Tht vy, mười by năm ri, nim đau v quê hương vn còn sường sượng, chưa chín; nim hi vng v dân tc vn chưa đơm hoa kết n. Ha hon mi có được vài ht minh châu trong đụn cát bi, ít na là trong làng nhc.
Ngoài ra thường ch là nhng nim đau suông, nhng hi vng h, nhng phn hn v vt, nhng hoài bão giú ép din đạt bng ngôn ng ba ri lng khng, chuyên ch bng nhng âm ba gi cy lai căng ca nhng k ch bi t trong xương ty, nhng k đã quên dòng ging còn nhanh hơn người bn x quên được lý do ti sao h có mt đây.
Phm Duy đã c vươn lên khi tình hung đó bng Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bng Con Đường Cái Quan, như mt ánh đèn trong đêm đen như mt vì sao lúc tri hng sáng. Thin Ca là mt c gng khác ca Phm Duy trong loi này.
Thành công ca Thin Ca, phn ln cũng nh tiếng hát Thái Hin. Có nhng tiếng hát tôi ch mun nghe mt ln, bi s nghe ln na thì 'bt say mê, không còn ý v ban đầu' như ni lo xa ca Hàn Mc T.
Ln đầu tiên tôi nghe Thái Hin là t hơn hai mươi năm trước qua Tuổi Thần Tiên. Hôm nay tôi li nghe Thái Hin hát Thin Ca. May mn, khuôn thiêng vn còn chìu tôi, cái ý v ban đầu trong tiếng hát vn còn.
Thái Hin không hát, Thái Hin ch nhp thân vi li ca ý nhc, vn toàn như mt nhc sĩ thiên tài nhp thân vi cây đàn, mt vũ n xut chúng nhp thân vi điu múa. Nét thanh thoát ca Thin Ca không có Thái Hin thì người nghe khó mà thưởng thc trn vn.
Cm nghĩ ca tôi v tiếng hát Thái Hin đây, khác hn cm nghĩ ca tôi khi nghe Về Miền Trung, Bến Xuân, Nghìn Trùng Xa Cách, Con Đường Cái Quan...
Ai hát cũng được, min sao còn nhc, còn li. Như mt người rưng rưng nghe bn quc ca khi xa quê đã dài ngày.
Bi nhng bn nhc đó đã hòa vào máu huyết xương tht tôi t bao gi không rõ na. Hoàng tôi ch mong, ngày nào đây, Thin Ca hôm nay - hay nhng bài nhc mi khác ca Phm Duy, cũng s cho tôi và nhng thế h sau tôi cái cm nghĩ đó, cái ước ao cp thiết đó.
TẠM THAY KẾT LUẬN
Kính anh,
Xin cám ơn anh đã chia s lá thư anh gi cho mt người bn Hòa Lan.
L Hng và tôi rt hân hoan nhng chuyn biến tâm tư ca anh trong lá thư ny so vi ni dung lá thư cm t chung ca anh ln trước sau khi tin bit ch. Đau kh không qut sm anh, đau kh ch làm tâm thc anh vươn cao ln mnh ngút ngàn. Chúng tôi có cm tưởng đang chng kiến s sinh thành ca mt Phm Duy mi.
Phong Trang ít ra thì cũng đã ba ln viết v anh. Mt bài ca L Hng và hai bài ca tôi. L Hng nh nhàng dung d trong nhng cm nghĩ v anh, nhưng tôi thì đã c nói nhiu điu tôi ao ước được thy nơi mt tài hoa nhc Vit mà tôi say mê cm mến. Hôm nay, chúng tôi sung sướng đã thy được nhng điu chúng tôi ao ước thy.
Tôi còn cm thy rng vic nhà tôi ra đi đã giúp cho tôi nhìn ra nhiu điu mà trước đây tôi không thy. Nht là đã làm cho tôi quyết định làm li cuc đời, dù cũng chng còn bao nhiêu thi gian na. Thư anh viết thế đó. Và ln ny thì tôi tin anh trăm phn trăm đó, thưa anh. Như tôi tin Thái T Tt-Đạt-Đa b đời vương gi nhung la lên rng tìm đường vượt biên khi bin kh sau khi đi qua bn ca thành sinh lão bnh t. Như tôi tin con trai bác th mc Joseph là Jesus Christ b nhà xung đường biu tình liên miên để chng li bn gi hình và vinh danh tình thương yêu đích thc.
Anh đã thy rõ ràng cái bóng ca tôi làm tôi mt mi là anh đã quay v vi bn lai din mc ri đó, thưa anh. Xin cúi đầu ghi nhn quyết tâm ca anh không chy theo bt c hư danh nào na. Nhưng xin được không đồng ý vi anh v chuyn không đàn hát, xướng ca, viết lách gì hết. Bi điu đó ch xy ra khi Phm Duy đã chết. Và anh thì s không bao gi chết trong lòng người Vit. Như Nguyn Du, như H xuân Hương, như Chu mnh Trinh, như Cao bá Quát, như Nguyn công Tr, như Văn Cao... Người Vit my thế h liên tiếp đã thương mến tài anh. Thế h ny và nhng thế h sau thương mến anh và phi hc bài hc ngàn vàng ca anh rng tt c ch là phù du mà thôi! Sut đời tôi đi tìm cõi vô thường, thì nay tôi đã ý thc rõ ràng: tt c ch là còn đó, mt đó... Thi nhà Lý, Sư Không L cũng thy như anh, nhưng ông không gi khám phá đó cho riêng mình. Ông đã đem khám phá đó chia cho nhân thế bng tiếng cười dài qua câu thơ:
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Tám thế k ri, ging cười lnh c vũ tr đó vn còn như là tiếng thét giúp nhng k mê m điên đảo trn gian phi tnh li. Tám thế k ri, nhng vn thơ đó vn còn như là cây gy giúp nhng k đã b tin tài danh vng làm sm xương sng chng mà đi ti vi đời trong cái nhìn vô cu, vô tranh.
Anh đã có đủ bn lĩnh, gi anh li có sn chân tâm để ct tiếng cười như thế bng chính tài năng không ai ph nhn được và chưa ai thay thế được ca anh.
Anh không th b cuc chơi sáng to và anh cũng không cn b cuc chơi Sáng To, bi như anh nói, anh đã phi b được nhng cu ly sáng to ri.
Cu mong anh viên thành mơ ước dùng thi gian còn li ca đời mình để đi chơi ca anh. Cách c vn cây s ca Thái Bình Dương mênh mông, anh vn không quên được Vit Nam thì đi đến đâu na, chy tri anh cũng không thoát khi quê hương mà.
Bi quê hương trong tim óc anh ch không phi trên bn đồ, gii định bng kinh độ và vĩ độ. Anh ch là cái bóng ca quê hương Vit Nam. Vit Nam là gì nếu không phi là quê hương ca nhng con người kh đau vì nhng qun tht oan khiên ca s mnh, nhng con người bng xương bng tht hào hùng, sáng to, lãng mn, bình thường cũng biết ham sng s chết nhưng ngt nghèo cũng biết tình người và nghĩa đồng bào, pht phơ tà tà hưởng th nhưng cũng kiên gan bn chí giy rách phi gi ly l khi bái xái qun bách, biết t hào v cái đúng ca mình để gi và biết nhn cái sai ca mình để sa...? Không có Vit Nam đó thì làm gì có Phm Duy, phi không thưa anh?
Cho nên, tôi xin được chia s tâm nguyn ca anh khi anh đoan chc rng ch còn hai nơi chưa đi là mt trăng và Hà Ni. S đi thôi.
Anh nhc đến trường hp anh Phm duy Nhượng làm tôi nhói lòng. Vì tôi là k mê bn Tà Áo Văn Quân ca anh Nhượng t lúc còn Trung Hc. Anh Nhượng hình như còn mt vài bn khác như Chiều Đô Thị chng hn, phi không thưa anh? Hy vng anh gia tâm nhc nh my cháu đừng để nhng bn đó thành chng loi b tn dit, ung lm. Cũng có th h đã hát ri nhưng bên ny xa xôi quá chúng tôi chưa được nghe?
Ngao du năm châu bn b, nếu có đến Sydney xin anh cho ti ny biết đón v Phong Trang và ri li đưa anh lên Hydro Majestic ăn bánh ngt ung Irish coffee nhìn hoàng hôn xung xa xa như ln trước.
Ln ny tôi s không để anh phê Blue Mountains bng câu: Núi rừng nầy đâu có đẹp bằng Lạng Sơn của mình! như ln trước na đâu. Chính tôi cũng mun tranh vi anh để nói câu y.
Kh ni, tôi chưa v thăm li quê hương, chưa h biết Bc Sơn Thái Nguyên thi tung cánh ca anh và Văn Cao là gì c. Cho nên, tôi thông cm ước nguyn âm thn s đi thôi ca anh đó, thưa anh.
Lá thư anh chia s cho chúng tôi có mt ý nghĩa và giá tr ln. Mt chuyn hóa đầy ý nghĩa, mt th hoát nhiên đại ng ca người viết. Xin phép anh cho tôi được chia li kinh nghim ny vi thế nhân được không? Dĩ nhiên, chúng tôi phi được anh hoan h đồng ý cho trước đã trước khi ph biến chung vi hi âm ny. Xin cám ơn anh trước.
Kính thăm anh và quý quyến thường an lc.
Bái thư,
30.11.1999.
[Phồn Hoa Kinh, tr.239-259, Văn Mi, Ca, 2003]

Bạt - Sau khi gi lá thư cho Phm Duy, Hoàng tôi thm khn vái đó s là kết lun tht v Phm Duy. Đó là mt ước vng bp chp. Phm Duy còn sng và còn sng thì còn có chuyn. Ch mà Hoàng tôi nghĩ là hết chuyn có th li ch là mt khi đầu na ca tài hoa đa đoan ny...
Đó là quyn ca Phm Duy và đó cũng là mt cái tài ca Phm Duy.
Đó là mt ước vng bp chp’…’Phm Duy cũng có th đang b lch s li dng’…Hoàng tôi viết nhng li đó sau khi gp Phm Duy và được tin anh gp đại tang. Biết vy nhưng tôi vn hà tin li, và còn gi Phm Duy là mt ‘tài hoa đa đoan’ trong khi dành my ch Nguyn Du thế k 20 cho Trnh công Sơn.
Qu tình tôi hơi bt công vi Phm Duy khi nghe tin anh đang viết Ngục Ca, ph nhc tp thơ được coi là ca Nguyn chí Thin và nghĩ rng Phm Duy làm Thiền Cađể đáp ng nhu cu phong trào đang thi Thy Huyn Quang lên để biến Thy thành thánh t đạo cm c phc quc nhân danh dân ch nhân quyn t do tôn giáo.
Ngày được tiếp Phm Duy Phong Trang, tôi đã phi nén lòng hết sc để khi nhc đến chuyn đó và nht là không đặt vn đề Đàn Chim Vit- Bến Xuân.
Tình tht, tôi vn âm thm nghĩ Bến Xuân ‘ca’ Phm Duy và Đàn Chim Việt ‘của’ Văn Cao, hay c cho là ‘ca’ Phm Duy na, ch là mt và tôi mong ước Phm Duy nói lên điu y.
Điu đó tôi ch c gng nh nhàng ‘nghi dĩ truyn nghi’ trong nhng bài trích dn trên mà thôi. Tôi đã ôm cái m c y my chc năm và bây gi mi đực gii ta bi cái tin web mà tôi va được đọc và trích dn trên. Phm Duy đã gián tiếp xác nhn điu mà Hoàng tôi đã bao năm âm thm ch đợi: Bến Xuân hay Đàm Chim Vit là ca Văn cao!!!
Trong lúc tiếp Phm Duy, qua nhng ln thù tc trò chuyn vi anh tôi có cm tưởng anh đã chán đời lưu vong lm ri. Tôi nghĩ thm trong bng ‘ng mà không v VN thì chết ng dám không nhm mt được lm!’ Và đó là điu tôi thường tâm s vi Bác Mu như để khích l Bác v chơi mt chuyến cho biết!
Tôi còn âm tung ra ý nim Trnh công Sơn-Phm Duy-Văn Cao là ba nhánh ca mt diapason ca nhc Vit để âm thm vn động cho mt cuc lưu din toàn quc ca ban ‘tam ca’Trnh công Sơn-Phm Duy-Văn Cao. Ngoài nước do Bác Mu trong nước do Phm thế M tiếp tay. Hát được bao nhiêu tin thì b ra làm vic thin. Đó là c gng đầu tiên để vn động hai chiu cho Bác Mu và Phm Duy v nước.
Cũng bi vì vy mà tôi hơi phân vân khi biết Phm Duy bt đầu ph Ngục Ca ca Nguyn chí Thin và Thiền Ca để vô tình tiếp tay cho đám Võ văn Ái-CCCD đang lăng xăng dúi con bài Thy Huyn Quang-Qung Đô vào tay đám qy ám 4 Không-CCCB mà đứng đầu là Nguyn Bá Long và đám con cưng ca Đức Ông Trn văn Hoài.
Cũng vì ni phân vân này mà nhng khi lên tiếng bênh Phm Duy tôi không xông xáo mà ch nh nhàng như khi bênh Trnh công Sơn, Đỗ Mu, T Hu…mà ch nh nhàng chng minh Phm Duy là người tài, người tt và anh có quyn làm gì thì làm!
Tôi thương Phm Duy k t khi tôi để ý đến li ca ca bn Người VềMột vừng hương trắng xóa
Thi đệ nht cng hòa, ln đầu tiên khi nghe câu đó tôi đã tít lên: Ô hay cái anh này, sao li vng hương trng xóa vào đây h?! Gia mt thi đại mà m ming ra là xin Thượng Đế ban phước lành cho Người hay ly m là ngôi sao sáng mà Phm Duy li khơi khơi nhc đến mt vng hương trng xóa hay tiếng chuông chùa rung…thì đúng là gàn hết ch nói ri. Và tôi thương mến cm phc Phm Duy t độ đó!

Hoàng Nguyên Nhuận


0 nhận xét:

Đăng nhận xét