Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

Những con số nổi tiếng trong giáo dục (tiếp)

http://kienthucgiadinh.com.vn/data/upload/images/19-10-2012/tien-si.jpgTiếp tục theo đuổi những con số về giáo dục, tôi thấy có nhiều con số khác cũng “nổi tiếng” không kém con số 30% tiến sĩ làm nghiên cứu khoa học. Đây cũng là dịp để nhìn lại bức tranh chung để có thêm vài nét chấm phá. Nhưng những con số, theo tôi, chỉ có tính cách minh hoạ cho một phát biểu, chứ rất khó đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Trong tình trạng "cái gì cũng thiếu" thì việc thiếu những dữ liệu nghiên cứu về giáo dục cũng là điều dễ hiểu. 


Có bao nhiêu giáo sư và phó giáo sư làm việc trong các đại học? Theo số liệu thống kê thì hiện nay Việt Nam có khoảng 9100 giáo sư và phó giáo sư. Số liệu của Bộ GDĐT cho biết số GS/PGS làm việc trong các đại học là khoảng 3000 (làm chẵn từ 463 GS + 2467 PGS). Như vậy, chỉ có khoảng 1/3 GS và PGS làm giảng dạy và nghiên cứu trong đại học.

Bao nhiêu giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ? Theo Gs Nguyễn Thiện Nhân, qua phát biểu trên Tiền Phong, thì số giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ chiếm khoảng 15% tổng số giảng viên. Nhưng theo số liệu của Bộ GD-ĐT, trong niên học 2004-2005, có ~18% giảng viên với bằng tiến sĩ, nhưng đến niên học 2006-2007 thì con số này giảm xuống còn 15%. Thật khó hiểu tại sao tỉ lệ này lại giảm mà không tăng!

Số giảng viên cao đẳng và đại học 2004-2005 và 2006-2007 

Niên học
Cao đẳng
Đại học
Cao đẳng và đại học
2006-2007



Tổng số giảng viên
15381
38137
53518
Tiến sĩ
216 (1.4)
5666 (14.9)
5882 (11.0)
Thạc sĩ
3669 (23.9)
14603 (38.3)
18272 (34.1)




2004-2005



Tổng số giảng viên
13677
33969
47646
Tiến sĩ
182 (1.3)
5977 (17.6)
6159 (12.9)
Thạc sĩ
2509 (18.3)
11460 (33.7)
13969 (29.3)
 Chú thích: số trong ngoặc là phần trăm tính trên tổng số giảng viên.

Số liệu của một đại học hàng đầu là ĐHQGHCM cho thấy số giảng viên với bằng tiến sĩ hiện nay cũng chiếm 15% tổng số. Một đại học hàng đầu mà có tỉ trọng như thế thì rất khó nói tỉ trọng trung bình cho cả nước là 15%.

Quay trở lại con số bao nhiêu tiến sĩ làm nghiên cứu khoa học. Hôm qua, tôi đã trích dẫn con số 30% tiến sĩ làm nghiên cứu khoa học mà Vietnamnet công bố. Nên nhớ đây là con số kết quả từ một điều tra trên 9000 tiến sĩ vào năm 2005, chứ không phải rơi từ không khí. Nhưng để thẩm định xem con số này có hợp lí hay không thì cần phải xem xét đến một số chứng cứ bên ngoài. Những chứng cứ này có thể tóm tắt như sau:
  • Có một thông tin (được cho là từ Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết chỉ có 50% giảng viên đại học tham gia nghiên cứu khoa học. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT trong niên học 2010-2011, có 50951 giảng viên, và trong số này có 7338 người có bằng tiến sĩ. Nói cách khác, chúng ta có thể ước tính có khoảng 3669 tiến sĩ trong đại học làm nghiên cứu khoa học.
  • Cả nước có ~24000 tiến sĩ. Trừ con số này cho 7338 (tức khoảng 30%) tiến sĩ trong đại học, chúng ta có 16662 tiến sĩ ngoài đại học. Số ngoài đại học này có lẽ làm quản lí, quan chức, kể cả quân đội, công ti, v.v. Số này có thể cũng có làm nghiên cứu khoa học, nhưng tỉ lệ chắc chắn thấp hơn nhóm trong đại học. Chúng ta hãy “rộng lượng” cho rằng số người thật sự làm nghiên cứu trong nhóm ngoài đại học là 15%, thì con số tuyệt đối là 2500 người.
  • Như vậy tổng cộng sẽ có 2500 + 3669 = 6169 tiến sĩ thật sự làm nghiên cứu khoa học. Lấy con số này chia cho 24000, thì tỉ lệ tiến sĩ làm nghiên cứu là 25%.
Những tính toán trên đây cho thấy kết quả điều tra mà Vietnamnet công bố có độ tin cậy cao.
Nhưng tôi nghĩ nói đến con số thống kê thì cũng cần thiết, nhưng nên xem nó là một điểm tham khảo mà thôi, vì rất khó nói một cách chính xác được. Khó là vì còn tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn và khái niệm. Chẳng hạn như trước đây, Gs Hoàng Tuỵ có nói rằng khoảng 1/3 giáo sư và phó giáo sư không “xứng đáng” với chức danh đó. Còn Gs Đỗ Trần Cát thì cho rằng “nếu so với chất lượng GS ở các nước phát triển, đúng là phần lớn GS VN không xứng đáng là GS thật, tôi phải nói con số đó không phải là 30% mà là 80%”. Vấn đề đặt ra là lấy tiêu chuẩn gì để đo và đánh giá. Chưa ai đưa ra được những dẫn chứng về những con số trên đây. Cũng chưa thấy ai đặt vấn đề xác minh những con số trên. Nhưng dù chưa có những dẫn chứng thì những phát biểu trên theo tôi vẫn đúng trong bối cảnh chung. Con số chỉ mang tính minh hoạ. Nó cũng giống như cụ Nguyễn Du dùng con số để mô tả Từ Hải (vai năm tấc rộng, thân mười thước cao) chỉ là một cách nói, chứ nếu đo như thước đo ngày nay thì thân hình Từ Hải chắc khó coi lắm.

Cũng như trường hợp nghiên cứu khoa học. Nếu hiểu nghiên cứu khoa học theo nghĩ có công bố quốc tế (trên các peer reviewed journals) thì con số tiến sĩ làm khoa học chắc chắn thấp hơn 30%. Theo phân tích của chúng tôi từ một đại học hàng đầu của Việt Nam thì trong số ~3300 giảng viên (kể cả thạc sĩ), chỉ có 137 người (tức 4%) có công bố quốc tế. Có thể tiên đoán rằng ở các đại học vùng thì con số này còn khiêm tốn hơn nhiều.

Nhưng dù là 30% hay 4% thì vẫn chỉ nói lên một thực trạng chung: số tiến sĩ thật sự làm nghiên cứu khoa học còn ít. Và thực trạng này đóng góp một phần vào sự hiện diện khiêm tốn của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

N.V.T

P.S. Mới đọc thấy ngài Phó thủ tướng khuyên các đại biểu Quốc hội không nên ăn thịt gà nhập lậu. Trong bài có đoạn "Cũng theo Phó Thủ tướng, cách đây 10 ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo sơ bộ khi kiểm tra lượng thuốc kháng sinh tồn dư trong thịt gà nhập lậu thì 20% số gà đó là lượng tồn dư vượt mức cho phép. Như vậy, ăn gà nhập lậu ngắn hạn chưa thấy làm sao, nhưng dài hạn rất nguy hiểm." Nếu đọc theo cặp mắt của người làm khoa học thì chắc có nhiều câu hỏi và thông tin cần xác minh. Chẳng hạn như kháng sinh là kháng sinh nào, con số 20% tính trên bao nhiêu mẫu, khoảng tin cậy 95% là bao nhiêu, bằng chứng khoa học nào để cho rằng ăn dài hạn là có nguy hiểm, và nguy hiểm cho bệnh gì, v.v. Nhưng chắc chẳng ai chất vấn một bản tin như thế, vì hình như chúng ta đều dễ dàng đồng ý với lời khuyên của ngài PTT. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét