Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Khoe nghiên cứu mới: giá trị tham chiếu cho xương cột sống của người Việt

http://www.umm.edu/spinecenter/education/images/vertebra_fracture.jpgMấy tháng qua vì đi đây đó nên quên “khoe” vài nghiên cứu mới từ Việt Nam. Hôm nay xin có đôi lời giới thiệu một bài báo mới nằm trong công trình nghiên cứu loãng xương ở người Việt. Bài này có tựa đề [hơi dài] là “Reference ranges for vertebral heights and prevalence of asymptomatic (undiagnosed) vertebral fracture in Vietnamese men and women” và công bố trên Arch Osteoporosis hai tuần trước. Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực này. Từ nay, chúng ta đã có giá trị tham chiếu để chẩn đoán gãy xương theo phương pháp định lượng. Nhưng điều tôi tâm đắc là có thêm những giá trị về hình thể xương cột sống ở người Việt, có thể có ích cho giới nhân chủng học.



Có thể nói đây là một trong những bài tôi tâm đắc nhất. Đã từ lâu, tôi muốn biết hình thể chiều cao đốt sống của người Việt ra sao, nhưng không có phương tiện và người làm. Cho đến khi công trình nghiên cứu loãng xương được phê chuẩn thì ý tưởng này nằm trong “tầm ngắm”. Đến nay thì ý tưởng đã thành hiện thực và chúng tôi có bài báo này.

Lí do cần phải đo kích thước đốt sống là phục vụ cho chẩn đoán gãy xương. Gãy xương cột sống thường xảy ra âm thầm. Cứ 3 người bị gãy xương cột sống thì chỉ có 1 ca là có triệu chứng, 2 ca kia thì không có triệu chứng gì cả. Nhưng khi có triệu chứng thì hệ quả khó lường. Vấn đề đặt ra là làm sao phát hiện sớm. Mà, để phát hiện sớm thì cần phải có tiêu chuẩn để chẩn đoán gãy xương.

Có nhiều phương pháp chẩn đoán gãy xương cột sống, nhưng tựu trung lại là 2 nhóm phương pháp: định tính và định lượng. Phương pháp định tính đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm đọc phim X quang và phán đoán. Vì mang tính chủ quan nên phương pháp này thường cho ra kết quả sai.

http://www.biomedical.utm.my/mediteg/images/Spine/spine-over3b.gif

Hình thể xương đốt sống. Chúng tôi đo L1 đến L5 và T4 đến T12

Phương pháp định lượng thì khó khăn hơn vì cần phải có giá trị tham chiếu để chẩn đoán. Khó khăn là vì phải đo tất cả 14 đốt sống của hàng ngàn người. Theo phương pháp định lượng, chúng tôi phải đo 14 đốt sống của mỗi cá nhân. Mỗi đốt sống đo 3 chiều cao: chiều cao 2 bên lề (Ha và Hp) và chiều cao chính giữa (Hm). Sau đó, chúng tôi phải tính một loạt tỉ số. Sau cùng, chúng tôi tính giá trị trung bình và độ lệch chuẩn bằng phương pháp đặc biệt. Hai giá trị này sẽ dùng cho chẩn đoán dựa vào phương pháp định lượng. Chẳng hạn như nếu một đốt sống mà chiều cao giảm hơn 3 độ lệch chuẩn so với giá trị tham chiếu được chẩn đoán là gãy xương đốt sống.

http://testsite.iofbonehealth.org/docs/osteofound/filemanager/health_professionals/images/vert_fract_grading.gif

Phân loại gãy xương cột sống (phương pháp định tính)

Chúng tôi so sánh chiều cao đốt sống giữa người Việt, China và châu Âu. Kết quả chiều cao trung bình của thân trước, giữa, sau ở phụ nữ Việt tương đương với phụ nữ China nhưng thấp hơn so với kết quả trên người da trắng. Dựa vào kết phương pháp định lượng, chúng tôi ước tính rằng có 23% nam và 26% nữ trên 50 tuổi có gãy xương đốt sống. Tỉ lệ này rất tương đương với các sắc dân da trắng.

N.V.T

Tham khảo:

Ho-Pham LT, Mai LD, Pham HN, Nguyen ND, Nguyen TV. Reference ranges for vertebral heights and prevalence of asymptomatic (undiagnosed) vertebral fracture in Vietnamese men and women. Arch Osteoporos. 2012 Nov 7 [Epub ahead of print]

0 nhận xét:

Đăng nhận xét