Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Xếp hạng đại học 2012

http://www.scholarshipforusa.com/wp-content/uploads/2010/09/college-rankings.gifCác nhóm bibliometrics tiếp tục trình làng bảng xếp hạng đại học thế giới.  Trước hết là bảng của QS đã thu hút chú ý của giới báo chí một vài tuần qua.  Nay đến nhóm THE (Times Higher Education) trình làng một bảng mới: 


Trong bảng của THE, ĐH Bắc Kinh đứng hạng 46, Thanh Hoa 52, thậm chí còn cao hơn cả ĐH Paris Sud (92) và Osaka (147).  Những ai theo dõi thành tựu khoa học của các trường này đều ngạc nhiên.  Có bạn viết rằng nếu là phụ huynh chọn trường thì chắc xác suất chọn Paris Sud và Osaka cao hơn nhiều so với Bắc Kinh hay Thanh Hoa.  Học Tây chứ ai lại đi học Tàu. 

Nhưng tại sao các bảng xếp hạng khác nhau nhiều như thế?  Câu trả lời đơn giản là vì các nhóm xếp hạng dùng các tiêu chí khác nhau.  Chẳng những dùng tiêu chí khác, mà trọng số cũng khác.  Đó là chưa kể đến việc họ dựa vào các cơ sở dữ liệu khác nhau.  Chẳng hạn như Scopus có độ coverage lớn hơn ISI, và nếu dùng ISI làm một tiêu chí để xếp hạng thì chưa chắc kết quả giống như dựa vào Scopus.  Do đó, không thể kì vọng các bảng xếp hạng này nhất quán cho từng đại học.  Trước đây, tôi có bàn qua các bảng xếp hạn trong bài:


Trong bài này, tôi có trích một biểu đồ của anh đồng nghiệp Ioannidis cho thấy mối tương quan giữa các bảng xếp hạng rất thấp.  Vì không có chuẩn (gold standard) nên chúng ta không thể tin vào bảng xếp hạng nào là đúng tuyệt đối. 

Một bảng xếp hạng có tiếng khác là của ĐH Giao thông Thượng Hải (GTTH). 


Trong bảng này thì họ dùng chỉ 6 tiêu chuẩn, và đặt nặng các nghiên cứu khoa học.  Họ đặt biệt quan tâm đến giải Nobel, Fields, bài báo trên Nature và Science.  Nhưng tôi nghĩ đếm số giải như thế không hợp lí.  Giải Fields chỉ có 15 ngàn đô, không thể so sánh với giải Nobel được.  Ngay cả giải Lasker cũng rất danh giá (50-60% người đoạt giải Lasker được trao giải Nobel sau này), nhưng không được tính trong bảng xếp hạng của GTTH.

Đứng về mặt phương pháp, bảng xếp hạng của GTTH có thể nói là “tồi” nhất. Ngoài những lí do tôi nêu trong bài, hôm nọ tôi đọc một bài phê bình (rất dài) của một nhà khoa học bên Pháp về bảng xếp hạng của GTTH, trong đó tác giả này chỉ ra rằng bảng xếp hạng của GTTH gần như vô dụng.  Một chuyên gia Hà Lan thì phê trên tập san Scientometrics rằng mấy người xếp hạng GTTH chẳng hiểu gì về thống kê và bibliometrics, và ngạc nhiên thay họ …. đồng ý! 

Tuy có vài khiếm khuyết, nhưng các bảng xếp hạng này cũng có ích và có thị trường.  Ở mức độ từng trường thì có thể không nhất quán, nhưng ở mức độ nhóm (như top 50, top 100, top 200, v.v.) thì rất nhất quán.  Chẳng hạn như ĐH Cambridge đứng hạng 2 trong danh sách của QS, nhưng đứng hạng 7 trong bảng của THE, và hạng 5 của GTTH, nhưng dù ở bảng nào thì Cambridge vẫn là đại học hàng “top 50”.

Bảng 1: So sánh 3 bảng xếp hạng đại học (10 trường đại học hàng đầu)

Hạng
QS
THE
GTTH
1
MIT
MIT
Harvard University
2
Uni Cambridge
Stanford University
Stanford University
3
Harvard
Uni Oxford
MIT
4
UCL
Harvard University
UC Berkeley
5
Uni Oxford
MIT
Uni Cambridge
6
Imperial College
Princeton University
CalTech
7
Yale Uni
Uni Cambridge
Princeton University
8
Uni Chicago
Imperial College
Columbia University
9
Princeton Uni
UC Berkeley
Uni Chicago
10
CalTech
Uni Chicago
Uni Oxford

Cũng nên tham khảo bảng xếp hạng của nhóm Leiden:

Hạng
Leiden
1
MIT
2
Princeton Uni
3
Harvard
4
Rice Uni 
5
Stanford
6
CalTech
7
UC Barbara 
8
UC Barkeley 
9
CMU
10
UCSF

Tại sao ở nhóm thì 3 bảng xếp hạng đều khá nhất quán? Tại vì tất cả các bảng xếp hạng này đều đặt nặng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.  Các trường hàng đầu thế giới nổi tiếng là nhờ nghiên cứu khoa học, chứ không hẳn nhờ vào giảng dạy.  Do đó, tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học giải thích tại sao các trường này đều nằm trong top 100 hay top 50. 

Tại sao ở mức độ cá thể thì có sự khác biệt về thứ hạng (dù khác biệt không đáng kể)? Tại vì trọng số cho nghiên cứu khoa học khác nhau giữa các bảng xếp hạng.  Hơn nữa, các bảng xếp hạng còn có các tiêu chuẩn khác như giảng dạy, đánh giá của công chúng và nhà tuyển dụng, v.v. nên có khác nhau về thứ hạng cụ thể. 

Tôi nghĩ mỗi bảng xếp hạng phục vụ cho một nhóm “khách hàng”.  Bảng xếp hạng của GTTH là phục vụ cho bọn China, hay chính xác hơn là chính phủ China.  Họ muốn đại học của họ sánh vai cùng các Oxbridge, Harvard, Yale, Princeton, Stanford, v.v. nên họ dùng mấy trường này làm “benchmark” để vươn tới.  Còn THE và QS thì nhắm đến phụ huynh học sinh và sinh viên, những người đang đi tìm môi trường đại học có phẩm chất cao.  Do đó, nếu tôi là phụ huynh, tôi sẽ scan kĩ bảng THE và QS hơn là bảng của GTTH. 

Cá nhân tôi thì nghiêng về bảng xếp hạng của nhóm Leiden hơn, vì tôi thấy họ làm rất bài bản và thiên về khoa học hơn là thị trường.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét