ASEAN là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Với dân số khoảng 600 triệu (tức 9% dân số thế giới), và tổng GDP là 1,8 ngàn tỉ, nền kinh tế ASEAN là một nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới, và đứng hàng thứ 3 ở châu Á. Khối ASEAN đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế liên tục rất đáng kể trong những năm gần đây, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình từ 5 đến 6% mỗi năm trong suốt 20 năm qua. Trong những năm gần đây, các nước ASEAN đã và đang tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ nhằm đạt đến một nền kinh tế mà tri thức là một động lực.
Khái niệm kinh tế tri thức (knowledge-based economy hay knowledge driven economy) được hình thành như một khung lý thuyết mới để đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia. Nói một cách đơn giản nhất, kinh tế tri thức là một nền kinh tế trong đó vai trò của tri thức (khi so sánh với tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực vật chất và lao động chân tay) đóng vai trò chủ đạo [1]. Trong nền kinh tế tri thức, sự phát triển kinh tế có liên quan tới mức độ cạnh tranh về công nghệ, và cạnh tranh công nghệ phụ thuộc vào khoa học và nghiên cứu khoa học. Do vậy, trong nền kinh tế tri thức, nghiên cứu khoa học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế.
Kết quả của nghiên cứu khoa học thể hiện qua số lượng bài báo khoa học trong những tập san chuyên ngành có bình duyệt quốc tế. Tuy có tới trên 100.000 tập san khoa học trên toàn thế giới, chỉ có những tập san được liệt kê trong danh mục của Institute of Scientific Information (ISI) là được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Các tập san này cũng được công nhận rộng rãi trên thế giới. Cơ sở dữ liệu ISI bao gồm khoảng 10-12% tổng số tạp chí có bình duyệt [2]. Thật vậy, số bài báo khoa học được công bố trong các tập san ISI là một tiêu chuẩn quan trọng của hoạt động khoa học và là một thước đo của tiến bộ khoa học cho một quốc gia [3]. Do đó, bài báo khoa học cũng được coi là một thành tố kiến tạo nên nền kinh tế tri thức.
Tuy vậy cho đến nay chưa có một công trình nào khảo sát kết quả nghiên cứu khoa học và mối quan hệ của nó với các chỉ báo của nền kinh tế tri thức ở các nước ASEAN. Trong quá khứ đã có hai công trình phân tích ấn phẩm khoa học từ Thái Lan [4] và Việt Nam [5], nhưng chưa trình bày một cách hệ thống cho toàn bộ vùng ASEAN. Chúng tôi đặt giả thuyết rằng có một mối tương quan giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức của các nước. Cụ thể là, chúng tôi đưa ra một định đề: quốc gia nào có chỉ số kinh tế tri thức cao hơn thì sẽ có nhiều bài báo khoa học trong danh mục ISI hơn. Công trình nghiên cứu này được thiết kế để kiểm định giả thuyết trên, thông qua (a) phân tích kết quả nghiên cứu khoa học, và (b) khảo sát quan hệ giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức của một số quốc gia chính trong các nước ASEAN.
Nguồn dữ liệu
ASEAN bao gồm 10 nước, với trình độ phát triển kinh tế và xã hội rất khác nhau. Trong công trình này, chúng tôi tập trung phân tích dữ liệu từ 6 nước chính, đó là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, và Singapore. Những nước này cùng có một sức mạnh kinh tế chủ yếu ở châu Á cũng như trên thế giới. Đây cũng là những nước đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng về kinh tế, rất lý tưởng để khảo sát về mối quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức.
Dữ liệu sử dụng trong bài này được lấy từ Danh mục trích dẫn trực tuyến của ISI, Web of Science (WoS). Để thu thập số lượng bài báo khoa học, chúng tôi dùng SCI-Expanded, SSCI, A&HCI, CPCI-S, CPCI-SSA, CCR-Expanded, và IC databases trong hệ thống ISI. Cơ sở dữ liệu của ISI chứa đựng khoảng 8700 tập san khoa học, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực của nghiên cứu khoa học. Chúng tôi tìm kiếm rộng trong WoS địa chỉ quốc gia và lĩnh vực, sau đó giới hạn trong khoảng thời gian 1991-2010. Từ khóa mã nước là "CU = " for countries (“Việt Nam” or “Viet Nam”, “Thái Lan”, “Malaysia”, “Indonesia”, “Philippines” or “The Philippines”, và “Singapore”). Chúng tôi chỉ xem xét những bài báo “nguyên thủy” (original articles) được công bố bằng tiếng Anh. Sau đó chúng tôi khu trú kết quả theo lĩnh vực nghiên cứu, sử dụng chức năng “Analyze Results” của WoS. Ở mỗi nước, 12 lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu được xác định trong khoảng 1991-2000 và 2000-2010 và từ đó có thể so sánh giữa các nước.
Số lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học
Trong khoảng thời gian 1991-2010, 10 nước ASEAN đã công bố 165.020 bài báo nguyên thủy trên các tập san khoa học được liệt kê trong danh mục ISI. Con số này chiếm 0,5% tổng số bài báo khoa học của thế giới. Singapore dẫn đầu khu vực với số lượng bài báo khoa học cao nhất, chiếm 45% tổng số bài báo khoa học của 10 nước. Thái Lan và Malaysia, chiếm [lần lượt] 21% và 16% tổng số ấn phẩm khoa học. Việt Nam (tỉ trọng 6,5%), Indonesia (5%) và Philippines (5%). Nhóm cuối bảng là Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei, ấn phẩm khoa học trong 10 năm không đầy con số 1.000 bài, và chỉ chiếm dưới 2% tổng số ấn phẩm khoa học của ASEAN.
Biểu đồ 1. Số ấn phẩm khoa học trong giai đoạn 1991 - 2010 từ các nước Đông Nam Á |
Số lượng bài báo khoa học ở tất cả các nước gia tăng đều đặn trong quãng thời gian 1991-2010 (Biểu đồ 1). Tính trung bình, tỉ lệ tăng trưởng gộp lại là 13% mỗi năm, và tỉ lệ này chủ yếu là do sự tăng trưởng của Singapore (13%/năm), Thái Lan (15%/năm), và Malaysia (14%). Việt Nam cũng đạt 13% gia tăng mỗi năm trong cùng kỳ. Tuy nhiên, Indonesia và Philippines có mức tăng thấp nhất (8%/năm).
Bảng 1. Số lượng ấn phẩm khoa học (chỉ tính bài báo khoa học nguyên thủy) từ các nước Đông Nam Á trong giai đoạn 1991 – 2010
Nước | 1991 – 2000 | 2001 – 2010 | Số lần gia tăng |
Việt Nam | 2398 | 8220 | 3.43 |
Kampuchea | 97 | 880 | 9.07 |
Lào | 41 | 375 | 9.15 |
Thái Lan | 6673 | 28148 | 4.22 |
Miến Điện | 189 | 546 | 2.89 |
Malaysia | 5366 | 21203 | 3.95 |
Indonesia | 2638 | 5784 | 2.19 |
Brunei | 210 | 345 | 1.64 |
Philippines | 2630 | 4956 | 1.88 |
Singapore | 18220 | 56101 | 3.07 |
Tất cả | 38462 | 126558 | 3.29 |
Khi chia quãng thời gian 20 năm thành hai thập niên 1991-2000 và 2001-2010, có thể thấy tổng số bài báo khoa học của 10 nước trong thời gian 2001-2010 tăng gấp 3,3 lần so với quãng thời gian 1991-2000 (Bảng 1). Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng giữa các nước khác nhau rõ rệt. Về số lượng, Singapore dẫn đầu với số lượng bài báo khoa học cao nhất, tiếp đó là Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia, và Philippines. Về tỉ lệ tăng trưởng, con số cao nhất được ghi nhận ở Kampuchea. Số bài báo khoa học từ Thái Lan trong thời gian 2000-2010 tăng 4,2 lần so với thập niên trước. Tỉ lệ tăng trưởng cao này cũng có thể thấy ở Malaysia (3,9 lần), Việt Nam (3,4 lần), và Singapore (3,1 lần) trong lúc có thể thấy tỉ lệ tăng trưởng thấp ở (2,2 lần) và Philippines (1,9 lần).
Lĩnh vực nghiên cứu
Dùng chức năng phân loại lĩnh vực nghiên cứu, chúng tôi chia ấn phẩm khoa học của ASEAN thành 12 nhóm lớn: nông nghiệp, khoa học cơ bản, khoa học y sinh, hóa học, kinh tế, kỹ thuật, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, toán, vật lý, y tế công cộng, và khoa học xã hội. Tổng số bài báo khoa học và tỉ lệ bài của mỗi lĩnh vực nghiên cứu được nêu trong Biểu đồ 2. Ở Singapore, kết quả nghiên cứu trong kỹ thuật và y sinh học được xếp hạng là lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận trong nhóm nước thứ hai (Thái Lan và Malaysia), nơi nghiên cứu về khoa học y sinh và kỹ thuật chiếm hơn 70% tổng số ấn phẩm khoa học. Trong nhóm thứ ba (Việt Nam, Indonesia và Philippines, ấn phẩm về khoa học y sinh và nông nghiệp chiếm phần lớn trong tổng số ấn phẩm khoa học.
Biểu đồ 2. Phân bố ấn phẩm khoa học của các nước ASEAN trong giai đoạn 1991-2010 phân loại theo lĩnh vực nghiên cứu. Các nước được chia thành 4 nhóm: (a) Singapore; (b) Thái Lan và Malaysia; (c) Việt Nam, Indonesia, và Philippines; và (d) Kampuchea, Lào, Miến Điện, và Brunei.
Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu, Bảng 2 thể hiện sự khác biệt rõ hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học của các nước. Chẳng hạn, ở Singapore, bài báo khoa học trong lĩnh vực điện tử và kỹ thuật điện, vật lý ứng dụng, khoa học vật liệu và những ngành khoa học mới hơn như công nghệ nano được xếp hạng là những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Ở Thái Lan, nghiên cứu về miễn dịch học, y tế công cộng, y học nhiệt đới, dược lý và dược học, khoa học thực phẩm là những ngành đóng góp cao nhất cho số bài báo khoa học của quốc gia. Những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam là khoa học cơ bản, toán ứng dụng, vật lý ứng dụng và vật lý lý thuyết, y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm, tất cả đã đóng góp hơn 30% tổng số bài báo khoa học của cả nước. Ở Malaysia, nghiên cứu về tinh thể học, khoa học và công nghệ thực phẩm, khoa học về cây trồng, dược lý và dược học là những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu. Philippines và Indonesia có nhiều bài báo khoa học trong lĩnh vực nông học, khoa học cây trồng, hải dương học, sinh học nước ngọt và ngư nghiệp.
Bảng 2. Những lĩnh vực nghiên cứu hàng đầu trong mỗi nước dựa trên số lượng bài báo khoa học trong thời gian 1991-2000 và 2001-2010
Nước và lĩnh vực nghiên cứu | 1991–2000 | 2001–2010 | Số lần gia tăng |
Việt Nam | |||
Toán ứng dụng | 245 | 607 | 2,48 |
Toán | 306 | 552 | 1,80 |
Y tế công cộng, môi trường và sức khỏe nghề nghiệp | 127 | 527 | 4,15 |
Vật lý chất rắn | 203 | 420 | 2,07 |
Bệnh Truyền nhiễm | 64 | 366 | 5,72 |
Khoa học Vật liệu | 99 | 337 | 3,40 |
Kỹ thuật, Điện, Điện tử | 17 | 335 | 19,71 |
Y học Nhiệt đới | 92 | 305 | 3,32 |
Vi sinh học | 73 | 300 | 4,11 |
Khoa học Môi trường | 62 | 276 | 4,45 |
Khoa học Cây trồng | 114 | 246 | 2,16 |
Vật lý ứng dụng | 86 | 245 | 2,85 |
Vật lý (Đa ngành) | 77 | 211 | 2,74 |
Hóa sinh học và Sinh học Phân tử | 82 | 163 | 1,99 |
Thái Lan | |||
Dược lý và Dược học | 372 | 1528 | 4,11 |
Khoa học và Công nghệ Thực phẩm | 141 | 1404 | 9,96 |
Hóa sinh học Sinh học Phân tử | 302 | 1373 | 4,55 |
Miễn dịch học | 571 | 1299 | 2,27 |
Bệnh Truyền nhiễm | 351 | 1279 | 3,64 |
Công nghệ sinh học, Vi sinh học ứng dụng | 199 | 1214 | 6,10 |
Vi sinh học | 338 | 1162 | 3,44 |
Y tế công cộng, môi trường và sức khỏe nghề nghiệp | 510 | 1152 | 2,26 |
Kỹ thuật Hóa | 116 | 1057 | 9,11 |
Khoa học Môi trường | 175 | 1045 | 5,97 |
Khoa học Vật liệu | 71 | 988 | 13,92 |
Khoa học Cây trồng | 317 | 913 | 2,88 |
Y học Nhiệt đới | 386 | 822 | 2,13 |
Sản khoa và Phụ khoa | 185 | 431 | 2,33 |
Malaysia | |||
Tinh thể học | 458 | 2961 | 6,47 |
Kỹ thuật, Điện, Điện tử | 127 | 1169 | 9,20 |
Khoa học Vật liệu | 151 | 1057 | 7,00 |
Hóa học | 113 | 947 | 8,38 |
Khoa học và Công nghệ Thực phẩm | 304 | 943 | 3,10 |
Khoa học Môi trường | 151 | 807 | 5,34 |
Công nghệ sinh học ứng dụng | 198 | 776 | 3,92 |
Khoa học cao phân tử | 222 | 775 | 3,49 |
Vật lý ứng dụng | 85 | 682 | 8,02 |
Hóa học, Vật lý học | 161 | 627 | 3,89 |
Dược lý và Dược học | 235 | 617 | 2,63 |
Hóa học ứng dụng | 227 | 573 | 2,52 |
Hóa sinh học và sinh học phân tử | 193 | 460 | 2,38 |
Khoa học Cây trồng | 243 | 414 | 1,70 |
Hóa học Vô cơ và Hạt nhân | 209 | 346 | 1,66 |
Indonesia | |||
Khoa học Môi trường | 95 | 302 | 3,18 |
Sinh thái học | 92 | 296 | 3,22 |
Khoa học Cây trồng | 167 | 293 | 1,75 |
Y tế công cộng, môi trường và sức khỏe nghề nghiệp | 144 | 268 | 1,86 |
Dược lý và Dược học | 104 | 237 | 2,28 |
Động vật học | 90 | 227 | 2,52 |
Địa (Đa ngành) | 119 | 216 | 1,82 |
Bệnh Truyền nhiễm | 67 | 208 | 3,10 |
Vi sinh học | 96 | 203 | 2,11 |
Hóa học, Y | 66 | 191 | 2,89 |
Y học Nhiệt đới | 99 | 180 | 1,82 |
Miễn dịch học | 96 | 157 | 1,64 |
Nông học | 125 | 150 | 1,20 |
Dinh dưỡng và Niệu học | 102 | 119 | 1,17 |
The Philippines | |||
Nông học | 414 | 518 | 1,25 |
Khoa học Cây trồng | 452 | 421 | 0,93 |
Nông nghiệp (Đa ngành) | 73 | 412 | 5,64 |
Khoa học Môi trường | 114 | 242 | 2,12 |
Hải dương học và Sinh học Nước ngọt | 242 | 237 | 0,98 |
Ngư nghiệp | 215 | 184 | 0,86 |
Y tế công cộng, Môi trường và sức khỏe nghề nghiệp | 90 | 178 | 1,98 |
Khoa học Thú y | 34 | 143 | 4,21 |
Hóa sinh học Sinh học Phân tử | 94 | 141 | 1,50 |
Bệnh Truyền nhiễm | 58 | 138 | 2,38 |
Gen và di truyền học | 121 | 135 | 1,12 |
Sinh thái học | 90 | 133 | 1,48 |
Khoa học đất trồng | 187 | 126 | 0,67 |
Khoa học làm vườn | 109 | 98 | 0,90 |
Singapore | |||
Kỹ thuật, Điện, Điện tử | 2376 | 7021 | 2,95 |
Vật lý Ứng dụng | 1030 | 5372 | 5,22 |
Khoa học Vật liệu | 1484 | 5097 | 3,43 |
Hóa học, Vật lý | 533 | 2853 | 5,35 |
Quang học | 452 | 2615 | 5,79 |
Hóa sinh học và sinh học phân tử | 656 | 2292 | 3,49 |
Khoa học nano | 174 | 2242 | 12,89 |
Hóa học, Đa ngành | 291 | 2111 | 7,25 |
Vật lý chất rắn | 577 | 1766 | 3,06 |
Cơ khí | 748 | 1668 | 2,23 |
Kỹ thuật, Cơ khí | 674 | 1326 | 1,97 |
Kỹ thuật tự động | 578 | 1170 | 2,02 |
Toán ứng dụng | 493 | 903 | 1,83 |
Chất lượng
Để đánh giá chất lượng của các bài báo khoa học, chúng tôi xác định số lượng bài báo nguyên thủy được công bố trong thời gian từ 2001-2005, và tần số trích dẫn giữa thời kỳ này và năm 2010 (Bảng 3). Singapore và Kampuchea có tỉ lệ trích dẫn cao nhất (15,4 và 15.3 trích dẫn/bài báo, theo thứ tự). Tuy nhiên, khi đánh giá chất lượng dựa trên chỉ số H, nghiên cứu ở Singapore vẫn có tác động cao hơn (chỉ số H là 104), tiếp đó là Thái Lan (92), các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines có chỉ số H gần tương đương nhau (khoảng từ 57 đến 66). Với ít số bài báo khoa học, Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei có chỉ số H thấp nhất trong các nước ASEAN.
Bảng 3. Tần số trích dẫn và chỉ số H của các bài báo công bố trong thời gian 2001 đến 2005 của các nước ASEAN
Nước | Số bài báo khoa học | Số lượng trích dẫn | Tỉ lệ trích dẫn trung bình | Chỉ số H |
Việt Nam | 2683 | 29714 | 11,1 | 59 |
Kampuchea | 160 | 2455 | 15,3 | 25 |
Lào | 112 | 1548 | 13,8 | 20 |
Thái Lan | 8796 | 120936 | 13,8 | 92 |
Miến Điện | 122 | 1825 | 15,0 | 22 |
Malaysia | 5464 | 49716 | 9,1 | 66 |
Indonesia | 2199 | 26728 | 12,2 | 57 |
Brunei | 142 | 1461 | 10,3 | 18 |
Philippines | 1940 | 25458 | 13,1 | 58 |
Singapore | 21995 | 338654 | 15,4 | 104 |
Kinh tế tri thức
Dữ liệu về chỉ số kinh tế tri thức (KEI), chỉ số sáng tạo và công nghệ thông tin truyền thông (ICT) được trình bày trong Bảng 4. Trong 10 nước được phân tích, với bất cứ chỉ báo nào, Singapore vẫn được xếp hạng cao nhất, theo sau là Malaysia và Thái Lan. Những nước khác (như Việt Nam, Indonesia, và Philippines) có chỉ số KEI và chỉ số sáng tạo tương đương, nhưng cao hơn các nước Kampuchea, Lào và Miến Điện. Biểu đồ 3 cho thấy có một mối liên hệ tuyến tính giữa số lượng bài báo khoa học và KEI hay chỉ số sáng tạo. Theo đó, các nước có KEI cao hơn tương ứng với số bài báo khoa học nhiều hơn. Hệ số tương quan giữa số lượng bài báo khoa học và KEI là 0,96, giữa bài báo khoa học và chỉ số sáng tạo là 0,94.
Biểu đồ 3. Mối liên hệ giữa số ấn phẩm khoa học (trục hoành) và chỉ số kinh tế tri thức (knowledge economy index, phần trên), và chỉ số sáng tạo (innovation index, phần dưới). Đường kính vòng tròn cho mỗi nước phản ánh số lượng tương đối bài báo khoa học. |
Dựa vào mối liên hệ giữa ấn phẩm khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, có thể chia 10 nước ASEAN thành 4 nhóm rõ rệt: nhóm 1 chỉ có Singapore đứng đầu; nhóm 2 bao gồm Thái Lan và Malaysia; nhóm 3 gồm Việt Nam, Indonesia, và Philippines; và nhóm 4 có Kampuchea, Lào, Miến Điện, và Brunei.
Bảng 4. Chỉ số kinh tế tri thức và những chỉ số liên quan đến tri thức của 10 nước ASEAN
Nước (xếp hạng) | Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) | Chỉ số tri thức (KI) | Chỉ số khuyến khích kinh tế | Chỉ số sáng tạo (II) | Chỉ số công nghệ thông tin (ICT) |
Việt Nam (100) | 3,51 | 3,74 | 2,79 | 2,72 | 4,85 |
Kampuchea | 1,56 | 1,54 | 1,63 | 2,07 | 0,62 |
Lào | 1,94 | 2,09 | 1,47 | 2,0 | 2,03 |
Thái Lan (63) | 5,52 | 5,66 | 5,12 | 5,76 | 5,64 |
Miến Điện | 1,34 | 1,69 | 0,31 | 1,30 | 0,70 |
Malaysia (48) | 6,07 | 6,06 | 6,11 | 6,82 | 7,14 |
Indonesia (103) | 3,29 | 3,17 | 3,66 | 3,19 | 2,72 |
Brunei | NA | NA | NA | NA | NA |
The Philippines (89) | 4,12 | 4,03 | 4,37 | 3,80 | 3,60 |
Singapore (19) | 8,44 | 8,03 | 9,68 | 9,58 | 9,22 |
Vài nhận xét
Các nước ASEAN đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, chủ yếu do dân số đông và nền kinh tế năng động. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa ai thực hiện phân tích thư mục khoa học về hoạt động nghiên cứu và mối quan hệ của nó đối với kinh tế ở các nước ASEAN. Công trình này đã được thực hiện để khảo sát mối quan hệ đó, và kết quả cho thấy: (a) nhìn chung, đóng góp của các nước ASEAN cho tri thức khoa học thế giới vẫn còn rất khiêm tốn so với quy mô dân số, và (b) có một mối tương quan rõ rệt giữa kết quả nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức trong các nước ASEAN.
Châu Á ngày càng được ghi nhận là vùng vói nhiều cường quốc khoa học mới trỗi vậy. Từ năm 2006, số lượng bài báo khoa học của Trung Quốc đã đưa họ lên vị trí thứ nhì (sau Hoa Kỳ) về tỉ lệ mà họ chiếm giữ trong kết quả nghiên cứu khoa học toàn cầu. Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang tăng chi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển, và đã tạo ra những kết quả đầy ấn tượng trong hai mươi năm qua [7]. Tuy các nước ASEAN chiếm một phần khiêm tốn trong tổng số bài báo khoa học toàn thế giới, nhưng tỉ lệ gia tăng 15% mỗi năm của các nước này sẽ khiến họ nhanh chóng tăng tỉ lệ đóng góp của mình trong tổng số bài báo khoa học toàn cầu.
Có nhiều cách giải thích cho sự cách biệt lớn giữa các nước về kết quả nghiên cứu khoa học. Ở các nước ASEAN ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và phát triển có một vai trò quan trọng trong việc định hình bức tranh nghiên cứu khoa học [8]. Trong lúc Singapore đầu tư lớn cho khoa học và công nghệ thì những nước khác như Việt Nam và Indonesia có mức đầu tư thấp hơn nhiều. Bởi vậy có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi bài báo khoa học của Việt Nam, Indonesia và Philippine còn rất khiêm tốn so với Singapore, Thái lan, và Malaysia.
Kinh tế và mức độ ổn định xã hội cũng có thể là một cách giải thích khác. Trong khi Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt 100 năm qua, các nước khác trong vùng được hưởng một thời kỳ dài ổn định. Quả vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam chỉ thật sự “cất cánh” từ 1990, khi áp dụng chính sách đổi mới sau một thời kỳ dài khủng hoảng kinh tế và bị cô lập về chính trị. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy kết quả nghiên cứu khoa học của Việt Nam là thấp nhất trong 10 năm đầu (1991-2000) nhưng đã gia tăng nhanh chóng trong thập kỷ kế tiếp.
Một lý do khác cho sự đóng góp khiêm tốn của khoa học ASEAN trong ấn phẩm khoa học toàn cầu là trở ngại về tiếng Anh. Ngoài Singapore và Philippines là ngoại lệ, nhiều người nghiên cứu ở các nước ASEAN còn lại không/chưa quen thuộc với tiếng Anh, và hệ quả là phần lớn công trình nghiên cứu của họ chỉ công bố ở các tạp chí trong nước và không được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu ISI. Điều này có nghĩa là chỉ có một phần nhỏ các bài báo khoa học của giới nghiên cứu châu Á nói chung hiện diện trong các tạp chí được liệt kê trong danh mục ISI. Quả vậy, một phân tích trước đây cho thấy chỉ có khoảng 10% bài báo y khoa của Trung Quốc được công bố trong những tạp chí của hệ thống PubMed [9]. Ngoài ra, các tác giả ASEAN, cũng như những tác giả không phải người bản ngữ tiếng Anh, đã gặp khó khăn lớn khi muốn công bố bài báo khoa học của mình trên các tập san khoa học sử dụng tiếng Anh [10-11], do “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong việc biên tập” còn gọi là “editorial racism” [12], và do thành kiến coi thường những công trình của họ. Tất cả những nguyên nhân này đã góp phần khiến cho sự hiện diện của giới khoa học ASEAN trong các tạp chí được liệt kê trong danh mục ISI còn khiêm tốn.
Dựa trên những kết quả về mối liên quan giữa ấn phẩm khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, chúng tôi có thể xác định được một số mô hình của việc sản xuất tri thức trong các nước ASEAN. Trong khi Việt Nam có số lượng bài báo khoa học nhiều trong các ngành toán và vật lý lý thuyết, thì Singapore có thế mạnh đáng kể trong kỹ thuật và công nghệ sinh học, còn Thái Lan thì mạnh về công nghệ thực phẩm, dược lý và dược học. Malaysia có thành tích cao về tinh thể học, công nghệ thực phẩm, khoa học về cây trồng, trong lúc Philippines và Indonesia có nhiều bài báo khoa học về nông học và ngư nghiệp [4]. Những mẫu hình này tiêu biểu cho những đóng góp khá đa dạng và toàn diện của giới khoa học ASEAN cho tri thức khoa học thế giới.
Mười nước ASEAN có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên số lượng và chất lượng của ấn phẩm khoa học. Singapore là nước dẫn đầu với kết quả cao nhất, tiếp đó là nhóm thứ hai gồm Thái Lan và Malaysia, và tiếp đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines với thành tích trung bình; và cuối cùng là nhóm thấp nhất về kết quả nghiên cứu khoa học, gồm Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei. Tuy nhiên, cần lưu ý là Việt Nam đang nhanh chóng tiến về nhóm thứ hai, với mức độ tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu phản ánh những nhóm chính như sau: những nước phát triển mạnh về kinh tế thì có kết quả nghiên cứu tốt về kỹ thuật công nghệ cao và công nghệ sinh học (Singapore, Thai Lan và Malaysia), trong lúc những nước nghèo hơn (như Việt nam, Indonesia, Lào, Kampuchea, Philippines thì có thành tích cao về những lĩnh vực “công nghệ thấp” như y tế công cộng, và đối với Việt Nam là toán và vật lý lý thuyết. Do cơ sở hạ tầng cho hoạt động khoa học yếu kém, hầu hết dự án nghiên cứu ở Việt nam tập trung vào những lĩnh vực lý thuyết hoặc công nghệ thấp như toán cơ bản và vật lý lý thuyết. Singapore đã và đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển, với ngân sách chiếm từ 1,9% đến 2,5% GDP trong khoảng từ năm 2000 đến 2007, và đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa giới nghiên cứu học thuật với các doanh nghiệp [8]. Hệ quả là, thành tựu nghiên cứu của Singapore phần lớn do đóng góp của nghiên cứu ứng dụng và công nghệ như kỹ thuật và công nghệ nano. Xu hướng này cũng nhất quán với kết quả của một phân tích gần đây cho thấy những nước kém phát triển về kinh tế có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vốn đòi hỏi những thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại ở mức tối thiểu [13-14].
Chúng tôi phát hiện mối tương quan chặt chẽ và nhất quán giữa kết quả nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức [15], cũng như với chỉ số sáng tạo. Mối tương quan này có nhiều ý nghĩa đối với việc phát triển khoa học ở các nước ASEAN. Trước hết, nếu chúng ta chấp nhận giả định rằng công nghệ là kết quả của nghiên cứu khoa học, và công nghệ là động lực trong nền kinh tế tri thức, thì kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng chính phủ các nước ASEAN cần tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong tương lai. Hiện nay trừ ngoại lệ Singapore, các nước ASEAN khác đang đầu tư ít hơn 1% GDP cho nghiên cứu khoa học. Cần lưu ý là năm 2008 Hàn Quốc đã dành 3,4% GDP cho nghiên cứu và phát triển. Ý nghĩa thứ hai là, ngoại trừ Việt Nam, hầu hết hoạt động nghiên cứu khoa học ở các nước ASEAN được thực hiện ở những trường đại học lớn, bởi những giáo sư và giảng viên coi công việc nghiên cứu là ưu tiên thứ nhì của mình sau việc giảng dạy. Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi sản lượng nghiên cứu khoa học (được minh chứng bằng số bài báo khoa học) của giới hàn lâm của các nước ASEAN khá thấp [16]. Do đó, một cách để gia tăng kết quả nghiên cứu khoa học của những nước này là khuyến khích các trường đại học đưa ra những chính sách mới trong đó có chính sách về thăng tiến hay bổ nhiệm học hàm để khuyến khích giảng viên và các giáo sư có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí có bình duyệt quốc tế. Ý nghĩa thừ ba là những kết quả này cũng có ý nghĩa đối với tham vọng trở thành đẳng cấp quốc tế (hay được liệt kê trong danh sách 200 trường hàng đầu thế giới) của các trường đại học ASEAN. Một thành tố tối quan trọng trong việc xếp hạng đại học là số lượng và chất lượng của các bài báo khoa học. Phân tích của chúng tôi gợi ý rằng phần lớn các trường đại học ASEAN còn một chặng đường dài trước mặt để có thể trở thành đẳng cấp quốc tế, vì thành tích công bố khoa học của họ còn quá thấp so với các trường đại học ở phương Tây [5].
Kết quả nghiên cứu trên đây phải được diễn giải trong bối cảnh một số ưu điểm và khuyết điểm. Trước hết, đây là một phân tích so sánh đầu tiên về kết quả nghiên cứu khoa học ở các nước ASEAN đã đem lại một chỉ báo toàn diện cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực trong thời gian 1991-2010. Chúng tôi dùng cơ sở dữ liệu ISI của Thomson, vốn được coi là khá toàn diện và là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học của một nước. Tuy nhiên, do bản chất của dữ liệu, khó có thể suy luận về mối liên hệ nhân quả giữa kết quả nghiên cứu khoa học và kinh tế tri thức. Hơn thế nữa, hệ số tương quan mà chúng tôi đã trình bày chỉ có thể xem như tương quan quần thể (ecologic correlation), bản thân nó không phản ánh mối quan hệ nhân quả thực sự. Vì những phân tích này chủ yếu dựa trên dữ liệu của 9 quốc gia (do không có dữ liệu KEI của Brunei), cỡ mẫu khá hạn chế, nên hệ số tương quan có thể không mấy ổn định. Trong phân tích này chúng tôi chưa khảo sát vấn đề hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, do đó chưa thể đánh giá chính xác thực lực khoa học của một nước. Thật vậy, phần lớn nghiên cứu khoa học trong những nước nghèo của ASEAN, nhất là y sinh học, được thực hiện với sự hợp tác hay trợ giúp của các đồng nghiệp phương Tây. Do đó, có thể nói rằng thực lực nghiên cứu y sinh học ở các nước ASEAN thấp hơn là những gì phản ánh trong phân tích này. Chúng tôi dùng chỉ số H [17] và số lượng trích dẫn như chỉ báo của chất lượng nghiên cứu, nhưng cần lưu ý rằng hai tiêu chuẩn này chưa phản ánh chính xác chất lượng nghiên cứu. Thật vậy, các nước có số lượng ấn phẩm khoa học cao thường có chỉ số H cao; bởi vậy chỉ số này có thể không phải là chỉ số lý tưởng và cũng không phải một tiêu chuẩn độc lập để đo lường chất lượng nghiên cứu khoa học của một nước. Hơn nữa, hầu hết những bài được trích dẫn cao lại là công trình hợp tác với sự tham gia của các nhà khoa học trên khắp thế giới; bởi vậy tần số trích dẫn có thể không nhất thiết phản ánh chính xác chất lượng nghiên cứu của một quốc gia. Tuy nhiên, những kết quả phân tích gần đây do Trung Quốc và Hàn Quốc thực hiện cho thấy tỉ lệ trích dẫn (như một chỉ báo về chất lượng) của các bài báo khoa học ở các nước Á châu thấp hơn các bài báo khoa học của tác giả phương Tây.
Tóm lại, kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy mức độ đóng góp của các nước ASEAN cho tri thức khoa học thế giới còn khá khiêm tốn, mặc dù đang có môt sự tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua. Có một mối liên hệ tuyến tính và chặt chẽ giữa số lượng và chất lượng ấn phẩm nghiên cứu khoa học và chỉ số kinh tế tri thức, và điều này đã định hình 10 nước ASEAN thành 4 nhóm theo thành tích nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu này nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học là một thành tố quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất –trong nền kinh tế tri thức của một quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. OECD (1996) The Knowledge Based Economy. OECD/GD 102: 7.
2. Monastersky R (2005) The number that's devouring science. The Chronicle 52: http://chronicle.com/free/v52/i08/08a01201.htm.
3. King DA (2004) The scientific impact of nations. Nature 430: 311-316.
4. Svasti MRJ, Asavisanu R (2006) Update on Thai publications in ISI databases 1999-2005. ScienceAsia 32: 101-106.
5. Hien PD (2010) A comparative study of research capabilities of East Asian countries and implications for Vietnam. Higher Education 60: 615-625.
6. R Development Core Team (2007) R: A Language and Environment for Statistical Computing. Vienna, Austria: R Foundation for Statistical Computing.
7. Leydesdorff L, Zhou P (2005) Are the contributions of China and Korea upsetting the world system of science? . Scientometrics: 617-630.
8. Arunachalam S, Garg KC (1985) A small country in a world of big science: a preliminary bibliometric study of science in Singapore. Scientometrics 8: 301-313.
9. Mely B, El Kader MA, Dudognon G, Okubo Y (1998) Scientific publication from China in 1994: evolution or revolution? Scientometrics 42: 3-16.
10. Stolerman IP, Stenius K (2008) The language barrier and institutional provincialism in science. Drug Alcohol Depend 92: 1-2.
11. Vasconcelos SM, Sorenson MM, Leta J, Sant'ana MC, Batista PD (2008) Researchers' writing competence: a bottleneck in the publication of Latin-American science? EMBO Rep 9: 700-702.
12. Tyrer P (2005) Combating editorial racism in psychiatric publications. Br J Psychiatry 186: 1-3.
13. Okubo Y, Dore JC, Ojasoo T, Miquel JF (1998) A multivariate analysis of publication trends in the 1980s with special reference to South East Asia. Scientometrics 41: 273-289.
14. Osareh F, Wilson C (1997) Third World Countries (TWC) research publications by disciplines: a country-by-country citation analysis. Scientometrics 39: 253-266.
15. Ramirez F, Meyer J (2000) The effects of science on national economic development, 1970-1990. American Sociological Review 65: 877-898.
16. Waworuntu B, Holsinger DD (1989) The research productivity of Indonesian professors of higher education. Higher Education 18: 167-187.
17. Hirsch JE (2005) An index to quantify an individual's scientific research output. Proc Natl Acad Sci U S A 102: 16569-16572.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét