Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011
Bàn về “huyền thoại”
16:02
No comments
Xin giới thiệu một phản hồi dưới đây của anh Phùng Hoài Ngọc liên quan đến hai chữ huyền thoại trong bài báo trên Quân đội nhân dân tuần qua.
Đọc bài báo của Bắc Hà “Không bao giờ đánh đổ được huyền thoại Hồ Chí Minh” trên báo Quân đội nhân dân ngày 17/5/2011, tôi có chút phân vân về cách dùng từ của tác giả. Hôm kia đã có một bài bàn về từ huyền thoại với đối chiếu nghĩa tiếng Anh. Trong bài này, tôi chỉ bàn về cái tựa đề và lỗi viết văn, theo thói quen nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn.
Tôi giở hai cuốn từ điển chính thống ở Việt Nam có từ “huyền thoại” thì thấy giải thích như sau:
Từ điển tiếng Việt : Huỵền thoại là “Câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng; thần thoại” (Viện ngôn ngữ học, 1997, Hoàng Phê chủ biên, trang 454).
Từ điển văn học, bộ mới (Nhà xuất bản Thế giới, 2004). Đây là cuốn từ điển văn học mới nhất và uy tín nhất hiện nay ở Việt Nam (4 giáo sư chủ biên: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá). Huyền thoại (trang 668): Khái niệm chỉ một hình thức tư duy đặc thù của con người thời nguyên thủy, trong đó cái kỳ ảo che giấu những sự thật, được bảo lưu dưới nhiều dạng thức của đời sống tinh thần nhiều nhóm cư dân trên thế giới và đi vào văn học nghệ thuật. (…) Ở thế kỷ XX, huyền thoại trở lại với nhân loại (…). Nhân vật lịch sử có thể trở thành nhân vật huyền thoại: truyện pha trộn cái thực với cái hoang đường, cái hư ảo, cái kỳ diệu, thường bằng phương pháp phóng đại các kích cỡ, làm lệch lạc hình tượng nhân vật hay sự kiện lịch sử, có khi thần bí hóa nó, nhằm mục đích giải thích một nhân vật kỳ vĩ hoặc tuyên truyền trong đại chúng một tư tưởng nào đó.
Xin hỏi nhà báo Bắc Hà đã dùng từ “huyền thoại” theo cuốn từ điển nào?
Chúng ta đều biết ngày nay“huyền thoại” thường được dùng theo nghĩa ẩn dụ trong văn chương nghệ thuật, vậy ta nên hiểu từ này theo nghĩa văn chương nghệ thuật.
Bắc Hà viết: “Về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kỳ tích của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức của Người, đã thật sự là một huyền thoại trong tâm thức của nhân dân ta và bè bạn quốc tế”.
Đọc câu văn này tôi thấy lăn tăn: Câu văn lủng củng dễ sợ, phải đoán mãi, đoán ép mới nhìn ra chủ ngữ rất dài “Về Chủ tịch…của Người”. Tác giả hào hứng thông báo chủ tịch Hồ Chí Minh “đã thật sự là một huyền thoại trong tâm thức của nhân dân ta và bè bạn quốc tế”.
Nhưng điều đó đi ngược lại với giới sử học, giới khoa học nói chung. Các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa khát khao đi giải mã huyền thoại cho thỏa chí khám phá sự thật. Ít khi ai làm ngược lại là biến một người cụ thể thành huyền thoại. Người muốn giải mã huyền thoại, thì bài báo này đang cố gắng đi tạo ra huyền thoại mới!
Thật là nhiêu khê quá !
Tôi đoán, nhà báo định viết “Không thể đánh đổ thần tượng…” nhưng ông lại ngại dùng từ “thần tượng” (lâu nay đang mất giá vì các thần tượng ca sĩ dỏm) bằng “huyền thoại” đẹp đẽ hơn, mơ hồ và lung linh hơn.
Viết văn chính luận dùng ẩn dụ, nó như con dao hai lưỡi, phải vững tay mới viết được. Mong nhà báo rèn luyện chuyên môn nhiều hơn.
Phùng Hoài Ngọc
===
Ps. Có thể xem thêm bài Huyền thoại ?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét