Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Các đại học VN có nhiều công bố quốc tế

Hôm nọ Cục Thông tin Khoa học & Công nghệ công bố danh sách 20 trường/viện có nhiều xuất bản kết quả nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế (gọi tắt là "công bố quốc tế") (1). Tôi có lẽ là người đầu tiên (và thường xuyên) đếm số bài báo khoa học VN, nên khi đọc qua danh sách tôi thấy hơi nghi ngờ. Lí do là ĐH Y Dược Sài Gòn chưa bao giờ lọt vào danh sách top 10 của VN, nhưng theo danh sách này thì có! Tối qua, tôi đã kiểm tra lại, và quả thật danh sách của tôi khác với danh sách của Cục TTKHCN.



Dùng dữ liệu của ISI và qua phương tiện Web of Science, tôi có số bài báo công bố trong thời gian 2010-2015. Trong thời gian này, VN công bố được 10327 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI. Phân tích theo năm như sau:

2010: 1331 bài 
2011: 1446
2012: 1809 
2013: 2227 
2014: 2474
2015: 1040 (tính đến tháng 6/2015)

Danh sách các trường/viện hàng đầu (trong thời gian 2010-2015) như sau:

1. Viện KHCN: 1572 bài
2. ĐHQG Hà Nội: 926 
3. ĐHQG HCM: 709 
4. ĐH Bách Khoa Hà Nội (HUST): 598
5. ĐH Sư phạm Hà Nội: 379
6. ĐH Cần Thơ: 308
7. ĐH Y Hà Nội: 256 
8. Viện vệ sinh dịch tễ TƯ: 197
9. ĐH Vinh: 181
10. ĐH Huế: 141
11. ĐH Bách Khoa Sài Gòn: 135
12. ĐH Tôn Đức Thắng: 133
13. Bệnh viện Nhiệt Đới (SG): 120
14. ĐH Y Dược: 117 
15. ĐH Nông Lâm: 112

Vì Việt Nam có 2 đại học quốc gia, mà các tác giả nhiều khi rất hời hợt nên không thể phân biệt ĐHQG HCM hay ĐHQG HN. Tôi phải dùng đến chế độ "Enhanced" để có số liệu cho 2 trường, mà cũng không dám nghĩ là chính xác. Vả lại, các trường đại học thành viên của hai ĐHQG nhiều khi chỉ để tên trường thành viên chứ họ chẳng để tên ĐHQG trong địa chỉ công tác trên bài báo. Do đó, tôi nghĩ con số của ĐHQGHCM là chưa đầy đủ. Tuy nhiên, dù gì thì tôi nghĩ hai ĐHQG vẫn có số bài báo thấp hơn Viện KHCN vì họ chưa chú trọng đến nghiên cứu khoa học và còn phải quan tâm đến giảng dạy.

Trong danh sách trên, chúng ta thấy một số trường/viện là từ miền Nam: ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách Khoa Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng, Bệnh viện Nhiệt Đới, và ĐH Nông Lâm. Nhưng các trường này nằm phần dưới danh sách.

Đặc biệt là ĐH Tôn Đức Thắng chỉ mới nổi lên 3 năm nay, nhờ vào chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, và nay đã đứng hạng 12 với 133 bài, ngang hàng với ĐH Bách Khoa SG (135 bài). Tôi nghĩ trong tương lai gần, ĐH Tôn Đức Thắng sẽ vượt qua ĐH Bách Khoa SG về công bố quốc tế.

Các đại học lớn khác ở SG như ĐH Sư Phạm, ĐH Khoa học, v.v. không có tên trong danh sách này. Tương tự, trong danh sách này không có Bệnh viện Bạch Mai, ĐH Nha Trang, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Duy Tân như trong danh sách của Cục TTKHCN. Tuy nhiên, các đại học đó vẫn có công bố quốc tế dù còn thấp. Đứng đầu danh sách nhóm II này là ĐH Duy Tân, tiếp theo là ĐH Nha Trang. Danh sách như sau:

ĐH Duy Tân: 88 bài 
ĐH Nha Trang: 85 
ĐH Địa chất (Hanoi Univ Geol): 75 bài
ĐH Đà Nẵng: 68
BV Bạch Mai: 58
ĐH Đồng Tháp: 57
ĐH Dược Hà Nội: 48 
ĐH Lê Quý Đôn: 47
ĐH Quy Nhơn: 47
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 39

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng các con số trên khó chính xác, vì các tác giả công bố ít khi nào chú ý đến tên trường tiếng Anh, nên họ viết rất linh tinh. Chỉ riêng Viện KHCN mà các tác giả viết đến 5 tên khác nhau, có khi chỉ đơn giản là “VAST”, mà nếu không biết thì rất dễ hiểu lầm. Đây là một vấn đề, một vấn nạn ở VN, vì các giảng viên và giáo sư rất thờ ơ với tên trường. Có lẽ họ không cảm thấy tự hào tên trường, nên viết theo kiểu trăm hoa đua nở, thậm chí viết sai tên trường tiếng Anh. Nếu là ở Úc thì họ đã bị ban giám hiệu kêu lên “dằn mặt” rồi, nhưng ở VN thì chẳng ai phàn nàn.

Thật ra, nói đúng hơn, các đại học hàng đầu có nhiều công bố là …. ngoại quốc. Lí do là vì các đại học này có hợp tác với Việt Nam, và họ chủ trì đề tài nghiên cứu. Tôi có thể kể đến một số đại học hàng đầu (còn cao hơn cả các đại học VN) như sau:

ĐH Paris 11: 272 bài
Viện hàn lâm khoa học Nga: 235
ĐH London (Imperial College): 212
Viện hàn lâm khoa học Ba Lan: 212
ĐH Genoa: 207
ĐH Roma TOR Vergata: 205
ĐH Liverpool: 205
ĐH Cambridge: 201
ĐH Mahidol: 117
ĐH Queensland: 114
v.v.

Về lĩnh vực nghiên cứu thì ngành y sinh học vẫn chiếm đa số. Công bố thuộc ngành khoa học xã hội đứng cuối bảng. Thống kê theo ngành chính như sau:

Y sinh học: 2902 bài
Toán: 1320
Vật lí: 1279
Kĩ thuật: 1070
Kinh tế và quản lí: 208
Khoa học xã hội: 200

Nói tóm lại, các con số trên đây cho thấy nghiên cứu khoa học ở VN vẫn lệ thuộc vào nước ngoài khá nhiều. Những đại học cũ và lớn, nhất là các đại học ở Sài Gòn, rất kém về công bố quốc tế. Ngoại trừ ĐH Quốc tế, phần còn lại chỉ thuộc loại làng nhàng, thua xa các đại học ngoài Hà Nội. Chẳng hiểu các đại học trong Nam họ "làm ăn" như thế nào mà kém cỏi như thế -- rất đáng trách. Tuy nhiên, ở trong Nam có một số đại học mới nổi lên, đặc biệt là ĐH Cần Thơ, ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Nông Lâm, chỉ trong một thời gian ngắn mà các đại học này đã vươn lên hàng đầu. Đó là một tín hiệu tích cực và mô hình nghiên cứu của họ cần được nghiên cứu và nhân rộng hơn.

Dĩ nhiên, cách đếm này không phải là để xếp hạng, vì chưa tính đến số nhà khoa học và đầu tư. Chẳng hạn như Viện KHCN có rất nhiều nhà khoa học và được đầu tư tốt, nên không ngạc nhiên họ có nhiều bài báo nhất. Nếu tính trên đầu người tôi tin rằng năng suất của họ thua xa các trường đại học nhỏ. Vấn đề này đặt ra một yêu cầu các đại học và viện nhận tài trợ của Nhà nước nên bị bắt buộc công bố số nhân sự, tài chính, và bài báo khoa học. Phải bắt họ không được đếm những bài abstracts, không được "mập mờ đánh lận con đen" về những bài không nằm trong ISI hay Scopus (vì có rất nhiều nơi dùng chiêu trò này để nâng số ấn phẩm khoa học). Nếu trường/viện nào dùng chiêu trò này thì sẽ phạt. Vì danh dự quốc gia, đã đến lúc phải mạnh tay và không nhân nhượng với các trường/viện nhận tài trợ của Nhà nước mà không làm ra sản phẩm.

====

(1) http://vietq.vn/cong-bo-20-to-chuc-co-cong-bo-quoc-te-nhieu-nhat-viet-nam-d62888.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét