Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Những chiêu trò gian lận trong xuất bản khoa học

Tuần qua, chúng ta ngạc nhiên về vụ một bài báo có tựa đề "Get me off your fucking mailing list" được International Journal of Advanced Computer Technology xuất bản. Thật ra, bài báo chỉ là một cái thử với nội dung ngu xuẩn nhất trên đời, vì toàn bộ chỉ có những chữ "Get me off your fucking mailing list" lặp đi lặp lại suốt 8 trang! Dĩ nhiên, cái gọi International Journal of Advanced Computer Technology chỉ là một website chuyên làm tiền nhưng đeo mặc nạ "Journal", thuật ngữ trong ngành gọi là "predatory journal", chứ đâu phải tập san khoa học nghiêm chỉnh. Những predatory journal này chỉ lường gạt một số người còn mù mờ ở những nước như VN hay China chứ làm sao lường gạt được dân thứ thiệt trong ngành khoa học máy tính. Cần nói thêm rằng phần lớn các tập san dỏm này xuất phát từ Tàu, Nigeria, Ấn Độ, nhưng đăng kí thì ở ... Mĩ.



Nhưng ngay cả các journal nghiêm chỉnh, những trò lường gạt cũng xảy ra. Hôm nay, nhóm BiomedCentral (BMC) mới gửi một email cho các editor của nhà xuất bản cảnh báo về một chiêu trò lường gạt mới mà BMC đã phát hiện. Tôi là editor của một tập san về xương do BMC quản lí và điều hành, nên cũng nhận lá thư này. Nội dung lá thư nói rằng BMC phát hiện có đến 50 bản thảo bài báo (gọi là manuscript) mà các tập san của BMC nghi ngờ là có sự lừa gạt về qui trình bình duyệt. Đại đa số các bản thảo này bị từ chối công bố, nhưng có 4 bài được qua quá trình bình duyệt và đã công bố!

Sự lừa gạt nằm ở giai đoạn chọn người bình duyệt. Thông thường, khi tác giả đề trình bản thảo cho tập san xem xét công bố, thì tác giả có quyền đề cử 3 người làm bình duyệt bài báo. Một vài tập san còn cho phép tác giả liệt kê những người không nên duyệt bài báo. Các editor của BMC chú ý thấy tên của một số người được đề cử bình duyệt bị viết sai, còn tên trường đại học rất lạ (không có tiếng), và địa chỉ email thì toàn là địa chỉ công cộng chứ không gắn liền với một website chính thức nào. Các chi tiết này còn thay đổi mỗi lần tác giả đệ trình bài báo cho các tập san khác nhau, có lẽ nhằm tránh để bị BMC theo dõi.

Việc lợi dụng quyền đề cử người bình duyệt đã xảy ra trước đây. Trước đây, tôi có viết về một trường hợp hi hữu mà trong đó một phó giáo sư ngành kĩ thuật (engineering) tự đề cử ông là người duyệt bài báo của chính ông. Sự việc "vừa sáng tác, vừa tự nhận xét" này bị phát hiện và ông phải rút lại gần 60 bài báo trong quá khứ, dẫn đến việc từ chức của đồng tác giả lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục! Sau này, người ta phát hiện hàng trăm bài báo từ Tàu và Hàn Quốc cũng do tác giả "vừa sáng tác, vừa tự nhận xét" và được công bố. Dĩ nhiên, sau đó thì tất cả các bài báo gian lận này đều bị rút xuống.

Điều đáng quan ngại là sự lợi dụng này có vẻ có hệ thống. Theo điều tra của tập san Science, ở Tàu họ có hẳn một vài công ti (hay đường dây) chuyên làm thuê cho các nhà khoa học bận rộn. Cách vận hành là nhà khoa học đặt hàng, các công ti phịa ra những nghiên cứu như thật, viết bản thảo bài báo, đệ trình bài báo, và đảm bảo sẽ được công bố dưới tên của nhà khoa học. Lĩnh vực nghiên cứu họ thường tập trung là … meta-analysis (phân tích tổng hợp). Doanh nghiệp loại này làm ăn rất khấm khá, họ lấy phí vài ngàn USD mỗi bài báo. Nhà khoa học chẳng làm gì cả mà vẫn có bài báo và thăng quan tiến chức đều đều. Phải công nhận người Tàu nghĩ ra những chiêu trò lừa gạt rất tinh vi, và điều đáng nể là họ biến thành một hệ thống!

Trong thời gian gần đây, tôi nhận khá nhiều bản thảo meta-analysis nộp cho PLoS. Tất cả bản thảo đều có cấu trúc rất giống nhau, và tựa đề thường theo công thức "A and B: a meta-analysis". Tất cả đều từ Tàu, có bài từ các đại học danh tiếng như Bắc Kinh, Hà Nam, Thanh Hoa, Giao Thông Thượng Hải. Tôi liên lạc với các editor khác và nêu vấn đề, ai cũng rất ngạc nhiên và quan tâm. Nhưng cái khó là tôi không có chứng cứ để nói đây là một "tác phẩm" của các hãng viết mướn. Nhưng tôi không bao giờ chọn người bình duyệt do tác giả đề cử. Sau khi bình duyệt thì phần lớn những bài này bị từ chối công bố vì phẩm chất kém quá, nhưng thú thật tôi vẫn thấy hồi hộp khi gặp mấy bản thảo loại này, nhất là từ Tàu.

Quay lại câu chuyện của BMC, họ thông báo rằng từ nay về sau BMC sẽ không cho tác giả đề cử người bình duyệt nữa. Tôi nghĩ các tập san khoa học khác chắc cũng sẽ theo gót BMC, để giảm tình trạng lợi dụng sự tin tưởng của tập san. Theo tôi biết việc lợi dụng hệ thống bình duyệt như thế chưa bao giờ xảy ra trong các tập san khoa học, vì giới khoa học rất tin tưởng nhau. Nhưng khi các tập san "mở cửa" và sự trỗi dậy của Tàu trong khoa học thì sự tin tưởng đó bị sứt mẻ. Đây là một bài học mà tôi nghĩ không ai muốn nói ra: Mấy anh Tàu thật là lắt léo và chơi với mấy anh Tàu thật là nguy hiểm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét